Hộ gia đình anh Giàng A Tính ở thôn Bản Pho, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa được đưa vào danh sách hỗ trợ di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, theo Chương trình MTQG 1719 từ năm 2022. Tuy nhiên, sau hơn một năm chờ đợi mà chưa thấy được di chuyển, anh Tính và gia đình đành vay mượn họ hàng, anh em trong thôn gần 70 triệu đồng để sửa sang lại ngôi nhà đã xuống cấp và xây kè con suối sát ngay nhà để chống sạt lở.
“Gia đình cũng khó khăn lắm, nhưng nhà cũ thì dột nát hết, con suối thì ở ngay gần nhà, có hôm mưa to nước tràn cả vào nền nhà. Gia đình cũng mong được di chuyển đi nơi ở mới nhưng chờ lâu vẫn chưa thấy, nên đành đi vay mượn để sửa sang lại nhà cửa”, anh Tính chia sẻ.
Theo thống kê của UBND xã Mường Hoa, toàn xã có hai hộ thuộc diện bố trí sắp xếp dân cư theo Chương trình MTQG 1719. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả hai hộ đều chưa thể di chuyển được. Lý giải cho vấn đề này, ông Tẩn A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Mường Hoa cho biết: Hiện nay, xã chưa có quy hoạch chung về sử dụng đất, hai hộ trên mặc dù đã tìm được địa điểm để di chuyển; tuy vậy, diện tích đất này phải được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, thì mới có thể bố trí được. Mà năm nay, mới đưa vào kế hoạch chuyển đổi thì phải sang năm 2024 mới chuyển đổi được.
“Chúng tôi rất mong muốn các cấp, sớm xem xét lại phần thủ tục hồ sơ đối với việc thực hiện dự án sắp xếp dân cư theo Chương trình MTQG 1719. Nếu có thể, thì cũng linh động hoặc cắt giảm bớt quy định, vì đây là những trường hợp đặc biệt cần sớm được di chuyển về nơi ở an toàn”, ông Lềnh kiến nghị.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, thị xã Sa Pa đã chuyển nguồn vốn bố trí, sắp xếp dân cư thuộc Chương trình MTQG 1719 về các xã quản lý. Hiện nay, qua rà soát, đánh giá, thì thị xã Sa Pa có 11 hộ nằm trong diện bố trí, xắp xếp dân cư theo chương trình MTQG năm 2023. Đến thời điểm này, mới chỉ có hai hộ làm nhà và chuyển về nơi ở mới, số còn lại đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Vấn đề đầu tiên đó là, việc chuyển đổi các loại đất khác sang đất ở đang rất vướng. Hiện nay, theo quy định, các hộ phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì mới làm nhà được, mà để được sổ đỏ, thì đất đó phải được chuyển đổi thành đất ở. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần phải có thời gian.
Bên cạnh đó, diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn thị xa Sa Pa thời gian qua,rất bất thường. Những khu vực tưởng như an toàn thì lại xảy ra lũ ống, lũ quét; điều này cũng khiến cho việc tìm kiếm, bố trí mặt bằng an toàn cũng rất khó khăn.
Một trong những khó khăn nữa là, Sa Pa là địa bàn du lịch, giá đất rất cao. Hiện nay, theo quy định mỗi hộ được hỗ trợ 60 triệu đồng về đất ở, với số tiền này để mua được một mảnh đất tối thiểu rộng 80 mét vuông là cực kỳ khó vì không ai bán cả.
"Chúng tôi kiến nghị với tỉnh, Trung ương cần xem xét có cơ chế linh hoạt như, đối với các hộ khó khăn về chỗ ở, nhà ở, thì có thể để người dân làm nhà di chuyển trước, hưởng chính sách hỗ trợ trước còn các thủ tục về điều chỉnh đất đai hoàn thiện sau. Đối với các hộ ổn định tại chỗ, đã có nhà ở nhưng bị sụt sạt ta luy, thì tỉnh cũng cần có cơ chế hỗ trợ đối với các hộ này, vì Trung ương đã quy định rồi nhưng hiện tỉnh chưa có cơ chế này nên chúng tôi không thể thực hiện…”, ông Nghĩa đề nghị.
Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu “Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...”. Do vậy, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại cơ sở như tại thị xã Sa Pa cần sớm được tháo gỡ, có như vậy chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBKK.