Nỗi đau từ HIV/AIDS
Anh Sằng A H., một nạn nhân bị nhiễm HIV tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước đây do tuổi trẻ bồng bột, anh đã dính vào nghiện hút ma túy, rồi chuyển sang tiêm chích. Sau đó, bản thân anh bị nhiễm HIV từ năm 2015. Từ khi nhiễm HIV, anh thường xuyên phải chịu những cơn đau giằng xé, người lúc nào cũng lở loét vô cùng đáng sợ. Đã rất nhiều lúc anh H. nghĩ sẽ tự tử để kết thúc cuộc sống. Nhưng được gia đình động viên anh đã gắng gượng sống tiếp. Giờ đây, khi sống những năm tháng cuối đời, anh vô cùng hối hận. Anh hy vọng những người trẻ sẽ không đi vào vết xe đổ như anh.
Đánh giá về tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn vùng DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh, ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết, vùng DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh gồm 109/177 xã, phường, thị trấn; có 42 thành phần DTTS với 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh; cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh biên giới quốc gia.
Tại Quảng Ninh, ca nhiễm HIV/AIDS xuất hiện đầu tiên năm 1994. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống và được điều trị ARV. Đối với vùng DTTS và miền núi, mặc dù các tệ nạn xã hội không nhiều, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao.
Địa bàn vùng này có đường biên giới trên bộ dài, tập trung ở một số địa phương như Móng Cái, Bình Liêu và Hải Hà. Lợi dụng địa bàn sâu, xa, vắng người qua lại và sự thiếu hiểu biết của người dân nơi đây, tội phạm ma túy sử dụng các khu vực này để buôn bán, vận chuyển các chất ma túy; trồng và sử dụng cây thuốc phiện. Bên cạnh đó, nhận thức và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của đồng bào DTTS chưa cao, vì vậy, những hiểu biết về tác hại, hậu quả để lại của các tệ nạn xã hội và kỹ năng thực hành phòng, chống các tệ nạn xã hội còn hạn chế.
Tăng cường tuyên truyền
Nhằm tăng cường phòng chống HIV/AIDS, trong những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục về phòng, chống các tệ nạn xã hội được các cấp, ngành tỉnh Quản Ninh lồng ghép, phối hợp triển khai thực hiện thường xuyên, hiệu quả trên địa bàn vùng DTTS và miền núi. Theo đó, thông tin được tuyên tuyền bằng nhiều hình thức, nội dung sát với thực tế, phù hợp với từng địa bàn. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh coi việc phòng ngừa và ngăn chặn phải từ cơ sở: Gia đình, xã, phường, thị trấn.
Cụ thể, tỉnh đã lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án, như: Đề án 1163, Đề án 1898, Đề án 6578... để tuyên truyền tác hại, ảnh hưởng và hậu quả của ma túy, HIV/AIDS, mại dâm đến sức khỏe, tính mạng, giống nòi và kinh tế đến người mắc, gia đình và toàn xã hội.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng nâng cao nhận thức về HIV/AIDS, kỹ năng, ứng xử với người bệnh và gia đình có người nhiễm bệnh cho Nhân dân trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh.
Tại các địa phương, Cơ quan làm công tác dân tộc phối hợp với Trung tâm truyền thông và văn hóa xây các tin bài, phóng sự phát trên đài phát thanh truyền hình các địa phương, trên hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt trong công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, về tác hại, hậu quả của tệ nạn mại dâm, ma túy, của việc sử dụng các chất ma túy tổng hợp (ma túy đá, Cỏ Mỹ, trà sữa, nước vui...), cần sa, các chất hướng thần mới; di chứng để lại của căn bệnh HIV/AIDS; tổ chức treo băng zôn, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi, tuyên truyền tại trụ sở, các khu dân cư và các tuyến đường giao thông vùng DTTS và miền núi của tỉnh.
Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh cũng lồng ghép về tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại 25 buổi tuyên truyền, 31 hội nghị của chương trình tuyên truyền bình đẳng giới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hơn 5.500 lượt Người có uy tín, cán bộ xã, thôn bản và Nhân dân vùng DTTS và miền núi.
Để đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, trong những năm gần đây, bằng giải pháp phối hợp, lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi bộ, các cuộc họp cơ quan, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề cho cán bộ, đảng viên, công chức “Tháng hành động phòng chống ma túy”, “Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS”.
Có thể nói, thông qua công tác thông tin tuyên truyền, tình trạng HIV/AIDS trên địa bàn vùng DTTS và miền núi Quảng Ninh đã có phần thuyên giảm, người dân nâng cao nhận thức về tác hại cũng như công tác phòng chống và hòa nhập với người mắc bệnh. Tuy nhiên, do địa bàn miền núi rộng, phức tạp, nên thời gian tới đây, các cấp ngành, địa phương vẫn không thể chủ quan với bệnh dịch HIV/AIDS và tiếp tục tuyên tuyền đến người dân.