Thực tế cho thấy, trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã được tỉnh Quảng Ngãi triển khai bằng nhiều hình thức, đa dạng phong phú về nội dung. Qua đó, đã tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực trong tuyên truyền, nâng cao kiến thức về pháp luật trong tầng lớp Nhân dân. Điển hình như: tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt các văn bản luật, các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tổ chức các cuộc thi (thi viết, thi trực tuyến), phiên tòa giả định, các buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, hội thảo, thông qua các cuộc họp, thực hiện các phóng sự, bản tin, bài viết, hình ảnh, chuyên trang, chuyên mục hỏi- đáp pháp luật trên Báo, Đài; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; đăng tải trên Trang thông tin điện tử; phát sóng thường kỳ trên hệ thống truyền thanh; sinh hoạt “Ngày Pháp luật” hàng tuần, hàng tháng; cấp phát tài liệu tuyên truyền bằng tờ gấp, tờ rơi; băng rôn khẩu hiệu, pano, áp phích; tuyên truyền, giải thích trong tiếp công dân, tiếp nhận hướng dẫn hồ sơ hành chính, giải quyết hồ sơ theo vụ việc, các buổi sinh hoạt của đoàn thể…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL còn được các đơn vị của tỉnh Quảng Ngãi thực hiện thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở với 971 tổ hòa giải, 6.911 hòa giải viên cơ sở, mỗi năm tiếp nhận gần 2.500 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành công đạt trung bình trên 80%. Việc củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên cơ sở luôn được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, chú trọng. Theo đó, các tổ hòa giải về cơ bản là những Người có uy tín, am hiểu pháp luật, mỗi tổ hòa giải đều có từ 3 đến 8 hòa giải viên tùy theo đặc điểm, địa bàn, khu dân cư. Các tổ hòa giải và hòa giải viên ngày càng được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng, các tổ hòa giải hoạt động nhiệt tình và hiệu quả.
Một trong các hình thức PBGDPL có hiệu quả và được đánh giá cao mà Quảng Ngãi triển khai trong thời gian qua, đó là việc tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Theo đó, nhiều cuộc thi trực tuyến về tìm hiểu các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực được phát động, hưởng ứng, thu hút nhiều đối tượng, tầng lớp tham gia. Điển hình như: Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường”; Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về cải cách thủ tục hành chính”; Tỉnh uỷ Quảng Ngãi: Phát động Cuộc thi Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi và ra mắt sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh; Cuộc thi "Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài"…
Bên cạnh tổ chức các cuộc thi trực tuyến, Quảng Ngãi còn tổ chức các cuộc thi “Hòa giải viên giỏi”, “Thanh niên với pháp luật” theo hình thức sân khấu; 6 cuộc thi viết (Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình; tìm hiểu Bộ luật Dân sự; tìm hiểu Bộ luật Hình sự; tìm hiểu pháp luật về an ninh mạng và an toàn thông tin mạng…
Các cuộc thi được tổ chức với mục đích đổi mới nội dung, hình thức, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, PBGDPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số để tăng tính lan tỏa của thông tin, hướng tới các đối tượng khác nhau; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, mục tiêu và tầm quan trọng của việc chấp hành các quy định của pháp luật, từ đó phát huy dân chủ, quyền giám sát của người dân, doanh nghiệp…
Ông Tôn Long Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Không chỉ thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, Quảng Ngãi còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL thông qua việc triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL”. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo đẩy mạnh PBGDPL trên các trang Thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời xây dựng, khai thác vận hành Trang thông tin điện tử PBGDPL của tỉnh có tích hợp với Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia. Năm 2021, Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Quảng Ngãi đã được xây dựng và chính thức đi vào khai thác, sử dụng đạt hiệu quả với hơn 44,7 triệu lượt truy cập.
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến pháp luật trên mạng xã hội (facebook, zalo...), các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở như: Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và vận hành fanpage Thông tin đối ngoại Quảng Ngãi để tuyên truyền pháp luật; hướng dẫn tuyên truyền pháp luật trên hệ thống truyền thanh cấp huyện; Thị xã Đức Phổ đã tạo lập nhóm facebook, zalo để tuyên truyền các thông tin chính thống về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh Covid-19... trên các trang như: Đức Phổ quê tôi, Đức Phổ quê hương tôi, Cờ đỏ Đức Phổ... thu hút nhiều lượt truy cập, thích, chia sẻ… Trong triển khai, quán triệt các văn bản luật mới ban hành ở tỉnh và cấp huyện, hầu hết đội ngũ báo cáo viên đã sử dụng thiết bị trình chiếu hỗ trợ khi tuyên tuyền, phổ biến các quy định, chính sách pháp luật. Vì vậy, nội dung trình bày trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ theo dõi, dễ nắm bắt và thực hiện…
Có thể thấy, PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Hội đồng phối hợp PBGFPL tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực: xem xét chế độ phụ cấp hằng tháng cho báo cáo viên pháp luật, tăng thù lao cho báo cáo viên để tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của báo cáo viên pháp luật đối với hoạt động PBGDPL; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ những người làm công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật; tiếp tục duy trì các đề án về PBGDPL, trong đó chú trọng hướng đến đối tượng yếu thế, đồng bào DTTS và đối tượng ít có điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật… Có như vậy các thông tin, kiến thức của pháp luật mới trở nên gần gũi hơn với đời sống xã hội, với Nhân dân.