Cuộc điều tra, thu thập thông tin DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được tiến hành ở 12 địa phương với 198 địa bàn điều tra (quy mô gần 6.500 hộ) tại 75 xã, phường, thị trấn có DTTS sinh sống; đồng thời thu thập thông tin của 70 xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg.
Đối với hộ DTTS, cuộc điều tra DTTS sẽ thu thập thông tin gồm: Nhân khẩu học của dân số; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10 - 49 tuổi; thông tin người chết của hộ trong 12 tháng qua (từ 1/7/2023 đến 30/6/2024); nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; đất ở, đất sản xuất của hộ; một số loại gia súc chủ yếu của hộ; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.
Đối với UBND xã, cuộc điều tra sẽ thu thập thông tin: Đặc điểm của xã; sử dụng điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; nhà văn hóa; y tế và vệ sinh môi trường; chợ và cụm/khu công nghiệp; trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng; mức độ phủ sóng điện thoại và Internet.
Tại Hội nghị tập huấn, các giám sát viên được phổ biến nghiệp vụ về xác định hộ dân cư và nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ; giới thiệu và hướng dẫn các phiếu điều tra; hướng dẫn sử dụng trang Web tác nghiệp điều tra và phần mềm CAPI; thảo luận toàn bộ nội dung liên quan đến nghiệp vụ điều tra.
Theo ông Lê Nho Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam, điều tra DTTS nhằm cung cấp thông tin toàn diện về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, Giáo dục và Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế và vệ sinh môi trường nông thôn... vùng DTTS. “Những dữ liệu này rất quan trọng để hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đây cũng là cơ sở để Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS”, ông Hùng nhấn mạnh.