Tính đến nay, Quảng Nam có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, tỷ lệ đạt 22,2%; 123/193 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 63,73%. Bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025 là 16,42 tiêu chí/xã.
Tuy nhiên, trong 112 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2020 trở về trước có 61 xã chưa bảo đảm duy trì theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025. Trước năm 2022, số xã chưa bảo đảm lên đến 98 xã, hầu hết các xã đều chưa duy trì 1 - 2 tiêu chí.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiêm Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Nam, qua rà soát, toàn tỉnh có đến 89 xã “rớt” chuẩn NTM khi áp bộ tiêu chí mới. Các chỉ tiêu chưa đạt chuẩn như: Khám sức khỏe điện tử (đạt 30% trở lên), phải có sản phẩm OCOP, thu nhập tăng thêm (3.000.000 đồng/người/năm trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là rất khó)... Hiện, mỗi xã thiếu hụt 1, 2 hoặc 3 tiêu chí, nhưng theo quy định thì vẫn duy trì xã NTM.
Khó khăn điển hình gắn với đời sống người dân là các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM từ xã khu vực III xuống khu vực I sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, chế độ cho sinh viên...). Trong khi đó, điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn, việc đạt chuẩn NTM mới ở mức tối thiểu theo quy định. Phần cắt giảm này chủ yếu cho con người, nên việc thu hút cán bộ về công tác tại vùng này rất khó.
Ngoài ra, bộ tiêu chí mới tăng thêm nhiều chỉ tiêu, quy định mức độ đạt chuẩn cao hơn. Các xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn NTM thì năm sau sẽ rớt ngay các tiêu chí do chênh lệch tiêu chí giữa hai vùng Trung du miền núi phía Bắc và Duyên hải Nam Trung bộ tương đối cao.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng chỉ ra bộ tiêu chí NTM mới giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu không phù hợp với điều kiện của tỉnh (như hỏa táng, nước sạch từ công trình tập trung, khám bệnh từ xa…). Ông Ngô Tấn chia sẻ: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn những bất cập. Các xã miền núi đặc biệt khó khăn được thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội, nhưng khi đạt chuẩn NTM, người dân sẽ thôi hưởng chính sách này. Đây là chính sách trái ngược nhưng chưa khắc phục được, bởi khuyến khích xã NTM nhưng là xã đặc biệt khó khăn thì hơi khó.
Phía Quảng Nam sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem lại cơ chế đặc thù của các xã đặc biệt khó khăn, nếu được công nhận xã NTM thì duy trì an sinh xã hội từ 3 - 5 năm nữa để người dân phấn khởi. Bộ tiêu chí NTM mới vẫn giữ nguyên 19 tiêu chí, nhưng chỉ tiêu (nằm trong 19 tiêu chí) tăng từ 49 lên 57 chỉ tiêu. Việc tăng 8 chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu buộc phải tổ chức thực hiện quyết liệt mới đạt được.