Tương lai vẫn là một ẩn số
Thời gian gần đây, truyền thông nước nhà đang "nóng" chuyện Nguyễn Quang Hải xuất ngoại sau khi kết thúc hợp đồng với CLB Hà Nội. Bản thân Quang Hải đã công khai bày tỏ ước muốn được thử sức ở một nền bóng đá đỉnh cao hơn. Người hâm mộ nước nhà cũng mong muốn Quang Hải được ra nước ngoài thi đấu. Ngay cả các chuyên gia bóng đá cũng như người hâm mộ ở khu vực và châu lục cũng rất quan tâm và mong muốn Quang Hải được tỏa sáng ở những quốc gia có nền bóng đá ở đẳng cấp cao hơn, như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí là châu Âu.
Mọi việc tưởng như quá thuận lợi và ngôi sao số một Việt Nam lúc này ra nước ngoài thi đấu là chuyện hiển nhiên. Nhưng trên thực tế, con đường xuất ngoại của Quang Hải lại chẳng hề đơn giản.
Ngày 12/4, Quang Hải đã chính thức hết hợp đồng với CLB Hà Nội, trở thành cầu thủ tự do. Ấy vậy nhưng hơn nửa tháng đã trôi qua, tương lai của Quang Hải vẫn là một ẩn số!
Những ngày qua, trên mạng xã hội và cả những tờ báo uy tín, có nhiều thông tin về "bến đỗ" của Quang Hải, từ Nhật Bản, tới Thụy sĩ, Áo... và cả Pháp. Tuy nhiên tất cả chỉ là đồn đoán!
Mới đây, trên trang cá nhân, người đại diện của tiền vệ 25 tuổi, là ông Nguyễn Đắc Văn, đã đăng tải bức ảnh được cho là buổi lễ ký hợp đồng của Quang Hải. Tuy nhiên, bến đỗ thực sự của ngôi sao đội tuyển Việt Nam vẫn chưa được tiết lộ.
Hiện tại, theo giới chuyên môn, giải Vô địch quốc gia Áo vẫn là bến đỗ tiềm năng nhất dành cho Quang Hải. Mặc dù vậy, người hâm mộ Việt Nam vẫn vô cùng hoài nghi về khả năng thành công của tiền vệ 25 tuổi khi đặt chân đến một môi trường đẳng cấp hơn V.League rất nhiều.
Châu Âu, không phải chuyện đùa
Trước Quang Hải, đã có Công Phượng và Đoàn Văn Hậu bước chân tới châu âu. Nhưng những thành công mà Công Phượng và Văn Hậu gành được là rất mờ nhạt. Công Phượng khoác áo Sint Truidense từ tháng 7/2019 và chỉ thi đấu đến hết giai đoạn lượt đi rồi từ tháng 1/2020 về khoác áo TP. Hồ Chí Minh đấu tại V.League 2010. Phượng thi đấu 20 phút cho đội bóng của Bỉ ở trận Sint Truidense thua 0-6 trước Club Brugge ở ngay vòng 2.
Văn Hậu đến với SC Heerenveen sau Công Phượng gần 2 tháng. Có những so sánh thời điểm đó, nhiều người cho rằng Công Phượng đến Bỉ vì lý do thương mại, còn Văn Hậu đến châu Âu mới thực sự vì chuyên môn. Thế nhưng rốt cuộc, Văn Hậu cũng chỉ được ra sân có 4 phút ở Cúp Quốc gia, với đội trẻ. Với mức lương 450.000 euro (gần 11,8 tỷ đồng), mỗi phút ra sân của Văn Hậu quy đổi lên đến gần 3 tỷ đồng. Điều khoản mua đứt với giá 1,5 triệu euro cũng không được đội bóng Hà Lan kích hoạt, bởi họ không muốn mạo hiểm về mặt tài chính khi “đầu tư” vào Văn Hậu. Tuyển thủ Việt Nam chỉ ở dạng tiềm năng, chưa phải ngôi sao có những đóng góp trực tiếp để họ đầu tư.
Cả Sint Truidense lẫn SC Heerenveen đều bày tỏ sự hối tiếc khi Công Phượng, Văn Hậu không gắn bó lâu hơn!. Những lời nói mang nặng tính xã giao trên truyền thông đó, bản chất thì cũng chỉ khẳng định một điều, trình độ cầu thủ Việt Nam chưa đủ để đá chính, ra sân thường xuyên tại một câu lạc bộ... hạng trung tại châu Âu. Văn Hậu dù có thể hình, thể lực không kém cạnh cầu thủ châu Âu, nhưng kỹ năng, tư duy chiến thuật và nhiều yếu tố khác chưa đủ để cạnh tranh sòng phẳng với các đồng nghiệp.
HVL từng dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam giành Huy chương Vàng SEA games Steve Darby chia sẻ về việc Đoàn Văn Hậu sang Châu Âu thi đấu: "Đầu tiên, tôi phải dành sự tôn trọng cho cầu thủ nào đã cố gắng ra nước ngoài thi đấu. Những gì họ nhận được khi trở về không phải bàn cãi". Chiến lược gia người Anh phân tích tiếp: "Lẽ ra những cầu thủ Việt Nam, trong đó có Văn Hậu, nên học cầu thủ Thái Lan. Họ nên sang những giải đấu có chất lượng ở châu Á trước tiên như Nhật Bản, Hàn Quốc... Tới những quốc gia này, cầu thủ Việt Nam sẽ không gặp phải trường hợp "sốc văn hóa" như khi tìm đến châu Âu".
Bài học từ những người đi trước
Người hâm mộ Việt Nam không thể đòi hỏi nhiều, cũng như giận dữ Sint Truidense hay SC Heerenveen với những gì họ đã làm cho Công Phượng, Văn Hậu. Tại 2 đội bóng châu Âu này, các tuyển thủ Việt Nam đã được ăn tập hằng ngày cùng cầu thủ đội 1, ngồi dự bị nhiều, thi đấu nhiều cho các đội trẻ, trải nghiệm đầy đủ ở môi trường bóng đá đỉnh cao. Nói tóm lại, CLB chủ quản đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công Phượng và Văn Hậu.
Có một sự thật rằng, việc dùng tiền để giúp cầu thủ kiếm cơ hội thi đấu là việc đi ngược với quy trình vận hành của bóng đá châu Âu. HLV Marc Brys từng mâu thuẫn sâu sắc với việc các ông chủ Nhật Bản của Sint Truidense đưa về Công Phượng, với bản hợp đồng mang nặng tính thương mại hơn chuyên môn.
Ở châu Âu, không có chuyện ép một HLV dùng cầu thủ khi nhận tiền từ nhà tài trợ. Nếu vận hành theo điều đó, ông chủ Thái Lan của Leicester City có thể đưa các cầu thủ Thái Lan vào đội hình của Leicester City để tham gia những trận đấu ở Ngoại Hạng Anh, đối đầu với những Cristiano Ronaldo, Kenvin De Bruyne hay Mohamed Sala. Có thể kể thêm đến Peter Lim, chủ sở hữu Valencia, có thể mang các cầu thủ Singapore đến đối đầu với Karim Benzema ở La Liga.
Đối với Quang Hải, việc tốt nhất nên làm là chọn được đội bóng phù hợp nhất khi sang châu Âu thi đấu với sự hiểu biết, chuẩn bị tốt nhất. Châu Âu rõ ràng vẫn quá tầm với các ngôi sao của tuyển Việt Nam, ở trình độ và đẳng cấp của một nền bóng đá đang phát triển. Chính vì vậy, việc xuất ngoại sang châu Âu của Quang Hải lần này cần phải được tính kỹ lưỡng. Chính Quang Hải cần nhìn vào những tâm gương đã đi trước để đặt cho mình một lộ trình phù hợp.
Nguyễn Quang Hải sinh ngày 12/4/1997, người gốc Đông Anh, Hà Nội, là cầu thủ bóng đá người Việt Nam chơi ở vị trí tiền vệ cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Câu lạc bộ gần nhất anh chơi là Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội tại V.League. Anh là cầu thủ nhận danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2018, Á quân U23 châu Á 2018, Huy chương Vàng SEA Games 30 năm 2019 và được coi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.