Theo báo cáo của ngành xây dựng, hiện nay mỗi năm nước ta vẫn sử dụng khoảng 70.000 tấn a-mi-ăng để sản xuất 90 triệu m2 tấm lợp phi-brô xi-măng. Trong số này có tới 95% được sử dụng ở các vùng nông thôn, miền núi. Rất nhiều người dân sử dụng nước mưa hứng từ các tấm lợp trong sinh hoạt hằng ngày. Hàng nghìn tấm lợp phi-brô xi-măng vỡ, hỏng bị vứt bỏ ở khe suối làm cho a-mi-ăng hòa tan vào nguồn nước...
Việc sử dụng các vật liệu có chứa a-mi-ăng đang tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe của người dân. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), a-mi-ăng (kể cả a-mi-ăng trắng) là chất gây bệnh ung thư. Trên thế giới, mỗi năm có hơn 100 nghìn người chết vì các bệnh liên quan đến a-mi-ăng như, ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi a-mi-ăng.
Trước những nguy hại tiềm ẩn của a-mi-ăng, các cơ quan chức năng đã có những động thái nhất định trong việc hạn chế sử dụng. Cụ thể, ở nước ta đã cấm sử dụng a-mi-ăng nâu, a-mi-ăng xanh từ năm 1998 và cho phép sử dụng a-mi-ăng trắng với các yêu cầu nghiêm ngặt.
Thế nhưng, việc hạn chế bằng các khuyến cáo là chưa đủ mạnh mẽ. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các chính sách thay thế sử dụng a-mi-ăng trong xây dựng. Trước hết, là các cơ quan chức năng, các tổ chức cần được đầu tư trong nghiên cứu vật liệu, giải pháp công nghệ thay thế.
Về phía Nhà nước cũng cần các chính sách trợ giá, trợ cước với các vật liệu an toàn không có a-mi-ăng. Phải làm sao để các vật liệu này “thắng thế” các vật liệu chứa a-mi-ăng không chỉ ở độ an toàn cho sức khỏe mà còn cả về giá thành. Có như vậy, chúng ta mới thực sự chặn đứng được guồng quay phát triển các vật liệu chứa chất độc hại.
KẺ SĨ