Gỗ rừng tràn lan sau lũ
Những ngày qua, ở Sa Ná là cảnh tượng hoang tàn và đổ nát, nhà cửa, đồ dùng vùi lấp trong đất cát và điểm đặc biệt nhất là, hàng nghìn khúc gỗ tràn lan, nằm la liệt dọc bờ sông và khắp lối đi. Nhiều người không khỏi kinh ngạc, bởi số lượng và những cây gỗ lớn, có những cây dài hàng chục mét, với đường kính 2 người ôm không xuể.
Nhìn những khúc gỗ lớn bị cuốn về bản, đủ thấy cơn lũ khủng khiếp và kinh hoàng đến độ nào. Đáng chú ý, ngoài những cây gỗ lớn bị bật gốc do mưa lũ thì có nhiều tấm gỗ đã được đốn hạ và cắt xẻ gọn gàng từ trước.
Anh Lê Văn Huy (ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), chứng kiến cảnh tượng này khi đến thăm Sa Ná đã nhận xét: “Gỗ trôi nhiều như thế này không chỉ là do mưa lũ, một phần cũng vì bàn tay con người khai thác quá mức. Phải chăng ý thức bảo vệ rừng không tốt của con người cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở, lũ lụt ở miền núi”.
Trước tình trạng gỗ rừng tràn lan sau lũ, nhiều người khi đến Sa Ná đã lợi dụng gỗ rừng bị cuốn trôi, tranh thủ lấy những khúc gỗ đưa về nhà. Công việc được đặt ra cho chính quyền địa phương sẽ xử lý số lâm sản quý này như thế nào?.
Chính quyền lên phương án xử lý
Trao đổi về thực tế trên, ông Nguyễn Đức Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quan Sơn (Thanh Hóa), cho biết, sau gần 1 tuần xảy ra trận lũ lịch sử ở hai xã Na Mèo và Sơn Thủy, lực lượng Kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tập trung cứu hộ, cứu nạn và tìm người mất tích trong lũ, để sớm ổn định cuộc sống cho bà con.
Theo ông Hiệp, lực lượng Kiểm lâm sẽ phối hợp với Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện, chỉ đạo UBND xã, thôn, bản kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, cá nhân tự kê khai số gỗ, củi trục vớt được.
Đồng thời, cơ quan chức năng tiến hành xác định rõ những cá nhân, hộ gia đình có gỗ khai thác từ rừng trồng, vườn nhà, chưa đưa ra khỏi rừng; gỗ tròn, gỗ xẻ đã được kiểm tra, thông kê trước đây chưa sử dụng; gỗ rừng tự nhiên bị gãy, đổ, do sạt lở đất còn cả gốc, rễ bị lũ cuốn trôi. Các tổ chức, các nhân sẽ được thông báo và trực tiếp kê khai tại UBND xã, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Kiểm lâm. Trên cơ sở xem xét thực tế, xác định đúng chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp thì trả lại để sử dụng tại chỗ.
Theo cán bộ ngành Kiểm lâm, đối với gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên (kể cả cây còn gốc, rễ) bị lũ cuốn trôi, là tài sản Nhà nước, do thiên tai bất khả kháng nên bị vùi lấp, chìm đắm, trôi dạt theo khe, suối, sông; về nguyên tắc phải thu hồi, xác lập quyền sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 229, Bộ Luật Dân sự 2015, thì người phát hiện được sẽ hưởng theo quy định.
Cụ thể, tài sản không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng, sau khi trừ chi phí trục vớt, bảo quản, mà tài sản đó có giá trị dưới 14,9 triệu đồng (tính theo 10 lần mức lương cơ sở hiện nay), thì tài sản thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu tài sản có giá trị trên 14,9 triệu đồng, thì người tìm thấy được hưởng 14,9 triệu đồng và 50% giá trị tài sản của phần vượt quá 14,9 triệu đồng; số còn lại thuộc về Nhà nước.
Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, tổ chức giám sát chặt chẽ đến từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư, kiên quyết lập hồ sơ xử lý đối với các trường hợp lợi dụng để khai thác trái phép gỗ, củi từ rừng tự nhiên, trà trộn vào gỗ củi trục vớt được để tiêu thụ.
Theo UBND huyện Quan Sơn toàn bộ số gỗ không thuộc quyền sở hữu của dân sẽ được dùng xây dựng lại nhà mới cho người dân ở khu tái định cư bản Son.
QUỲNH TRÂM