Thào Thị Sùng, cô gái trẻ sinh năm 1999 nhưng đã có 3 con, lần sinh nở nào Sùng cũng “vượt cạn” ở nhà, không đến trạm y tế. Em cho biết, mình lấy chồng khi mới 15 tuổi, do cuộc sống gia đình khó khăn nên khi mang thai không được nghỉ ngơi mà ngày ngày vẫn “đầu tắt mặt tối” vượt suối, leo đồi đi làm nương, kiếm củi, làm những công việc nặng nhọc… Bởi vậy, đến kỳ sinh nở, em chuyển dạ và sinh con rất nhanh. Lần may mắn sinh ở nhà thì có mẹ chồng và chồng hỗ trợ. Có lần không may sinh con ngay trên nương, tối không kịp về, chồng đi tìm mới biết vợ đã vượt cạn xong và đưa hai mẹ con về.
Sùng cho biết: “Phụ nữ bản này sinh con ở nhà là bình thường, chị em nào cũng thế, cứ đẻ lần đầu ở nhà thấy không sao thì lần sau lại vậy. Còn đi trạm y tế xã hay bệnh viện thì không có tiền, người nhà phải đi theo chăm sóc nữa rất tốn kém. Ở nhà sinh con, nghỉ ngơi vài hôm khỏe lại đi làm được ngay”.
Hay như trường hợp Giàng Thị Bia cũng vừa sinh con lần 3 được hơn 2 tháng. Bia kể, 2 lần đầu em có dấu hiệu sinh nhưng cả nhà nhất quyết bảo không phải đi bệnh viện, để sinh ở nhà. Đến khi em đau bụng quá lâu, mất sức thì chồng mới tức tốc lấy xe máy trở xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Đến lần thứ 3, Bia chuyển dạ nhanh quá, không có dấu hiệu đau nên sinh con luôn tại nhà. Nhưng lần này không may mắn, sinh xong được gần 1 tuần thì em bị mất máu quá nhiều và đau bụng dữ dội. Chỉ khi y tế bản đến vận động, người nhà mới đưa em lên Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ khám và siêu âm. Tại đây, bác sĩ chuẩn đoán Bia bị băng huyết và sót rau trong tử cung, phải nằm điều trị 1 tuần. Rất may là em đã kịp đến bệnh viện, không thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Không riêng trường hợp của Sùng và Bia, ở bản Pa Pốm, đa phần chị em đến thời kỳ sinh nở đều có tư tưởng sẽ đẻ con ở nhà, tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường. Thống kê của Trạm Y tế xã Thanh Minh, từ năm 2016 đến nay, bản Pa Pốm có 14/19 ca sinh tại nhà, chiếm trên 73%. Đa số các ca sinh này đều do người thân trong gia đình, là mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc chồng và cá biệt có những trường hợp tự vượt cạn một mình.
Y tá bản Pa Pốm Vàng A Phía cho biết, bản thân Phía làm công tác y tá bản đã hơn 10 năm, được đào tạo, tập huấn quản lý và chăm sóc phụ nữ mang thai thường xuyên, nhưng hầu như chị em khi sinh ở nhà rất hiếm nhờ Phía đến hỗ trợ. Bởi theo anh, phụ nữ Mông họ rất hay xấu hổ, ngại để người lạ nhìn thấy hay động vào cơ thể. Ngoài ra, còn do tư tưởng cổ hủ từ lâu đã ăn sâu vào suy nghĩ nên dù được cán bộ y tế đến tuyên truyền, vận động thế nào họ vẫn bỏ ngoài tai. Chỉ đến khi tính mạng của thai phụ bị đe dọa, người nhà mới đưa đến cơ sở y tế. Mặt khác, do điều kiện kinh tế của các hộ dân trong bản rất khó khăn nên không đủ chi phí thuốc men, viện phí, không có người đi theo chăm sóc…
Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ cho biết: Pa Pốm là bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhận thức còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là những thói quen cổ hủ trong sinh nở. Nhiều trường hợp cán bộ y tế chỉ được biết sau khi chị em đã đẻ xong, nên chỉ thực hiện được công tác thăm khám sau đẻ.
Theo bác sĩ Thủy, thời gian qua, ngành Y tế thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằn hạn chế tình trạng phụ nữ Pa Pốm sinh con tại nhà. Tuy nhiên, giải pháp khả thi trong thời gian tới sẽ tập trung phối hợp đẩy mạnh quản lý thai sản, theo dõi các giai đoạn trước sinh và kịp thời cử cán bộ y tế đến tận nhà hỗ trợ trong quá trình sinh và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em sau sinh. Về lâu dài, y tế thành phố tiếp tục duy trì các hình thức truyền thông “mưa dầm thấm lâu” để làm thay đổi nhận thức và thói quen cho người dân.
Pa Pốm là bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhận thức còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là những thói quen cổ hủ trong sinh nở. Nhiều trường hợp cán bộ y tế chỉ được biết sau khi chị em đã đẻ xong, nên chỉ thực hiện được công tác thăm khám sau đẻ. (Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ)
NAM HƯƠNG