Hiện nay, Việt Nam đang ở vào thời điểm nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng là rất lớn. Vì vậy, toàn hệ thống chính trị đang tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, trong đó có vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo báo cáo tổng hợp từ 47/51 tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS và miền núi của Ủy ban Dân tộc, tính đến ngày 30/3, có 4 người DTTS dương tính với Covid-19. 711 người DTTS/1.042 người thực hiện cách ly tại nhà thuộc 4 tỉnh (Điện Biên, Ninh Thuận, Trà Vinh, An Giang); 550 người DTTS/2.583 người của 7 tỉnh thực hiên cách ly tập trung tại các cơ sở, trung tâm y tế; 5.343 người DTTS/5.865 người trên địa bàn 4 tỉnh đến từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng dịch hiện đang sinh sống tại địa phương cần giám sát y tế. Số lượng người DTTS qua biên giới lao động tại các nước láng giềng và trở về địa phương khá đông (riêng tỉnh Lai Châu có 7.843 người)…
Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc là một trong những thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, cùng với sự vào cuộc của các địa phương vùng DTTS và miền núi, Ủy ban Dân tộc đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch, trong đó có chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi ngành quản lý tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, 19 báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Phát thanh tiếng dân tộc (VOV4) của Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh Truyền hình tiếng dân tộc (VTV5) của Đài Truyền hình Việt Nam, thời gian gần đây đã đưa tin, phát sóng hàng nghìn tin, bài, phóng sự (trong đó có phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc) tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19.
Để thực hiện tốt hơn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ủy ban Dân tộc đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương nắm chắc tình hình đời sống của đồng bào, với những nơi thiếu đói giáp hạt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp gạo không thu tiền để hỗ trợ đồng bào; cấp phát miễn phí xà phòng rửa tay, khẩu trang vải ở một số vùng DTTS; thăm khám y tế và cấp phát một số loại thuốc thiết yếu nhằm tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng của người dân, nhất là đối với người già, trẻ em, người nghèo....
Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp hướng dẫn học sinh học tập tại nhà qua ứng dụng khoa học công nghệ (mạng online). Tuy nhiên đặc thù của vùng DTTS và miền núi khó thực hiện được những giải pháp trên (do thiếu cơ sở vật chất, máy tính, internet...). Vì vậy, Ủy ban Dân tộc đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan cần có những hướng dẫn đặc thù để học sinh DTTS học tập trong điều kiện hiện nay; hỗ trợ học sinh vùng DTTS và miền núi các điều kiện tối thiểu để học sinh có thể tiếp cận với các kiến thức phổ thông.
Cùng với đó, Ủy ban Dân tộc đề nghị Chính phủ có cơ chế trước mắt phục hồi, sử dụng hệ thống nhân viên y tế thôn, bản, động viên đội ngũ này tham gia phòng, chống dịch. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, như: phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín; tuyên truyền trực quan sinh động…
Ủy ban Dân tộc luôn bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động thực hiện các công việc phòng, chống dịch. Mới đây nhất, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, ngày 01/4/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã kí văn bản yêu cầu thủ trưởng các vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc triển khai thực hiện nghiêm túc nhiều nhiệm vụ cụ thể trong phòng, chống dịch.
Có thể nói, sự vào cuộc tích cực, chủ động của Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành và địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã và đang góp phần chung tay cùng cả hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19.
Tính đến sáng ngày 01/4, Việt Nam có 212 người mắc Covid-19. Trong đó, 58 ca đã khỏi bệnh/xuất viện. 154 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế. Đa số trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Ngoài ra, có 3.215 ca nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ; 75.085 người tiếp xúc với ca nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi (cách ly), trong đó 38.372 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.