Theo lộ trình, ba địa phương trên sẽ phối hợp hoàn thiện hồ sơ lần 1 đề cử trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7/2022; hoàn thiện hồ sơ lần 2 đề cử trình UNESCO thẩm định trước ngày 30/9/2022 và hoàn thiện hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12/2022.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).
Đây là những địa điểm có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt; cũng là nơi ra đời, hình thành và phát triển Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Yên Tử gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của nhà Trần (1225 - 1400) và hình thành nên không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm.
Tháng 1/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới theo quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xây dựng Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương xem xét, chấp thuận về chủ trương và cấp kinh phí cho Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức khai quật khảo cổ học tại một số điểm di tích không nằm trong nhiệm vụ ba đề tài khoa học cấp tỉnh năm 2021 để bổ sung cơ sở khoa học, cứ liệu chân xác, bằng chứng vật chất, làm rõ nội dung, tính chất, giá trị của các địa điểm, di tích, phục vụ triển khai nghiên cứu, bổ sung xây dựng hồ sơ Yên Tử.
Cả ba địa phương đã đồng ý chủ trương huy động nguồn xã hội hóa để chi cho các nội dung phát sinh trong quá trình xây dựng hồ sơ; chú trọng bảo tồn nguyên trạng hồ sơ, không được cấp phép nghiên cứu các dự án vào phần diện tích đã phát hiện khảo cổ, chỉnh trang cảnh quan sạch đẹp chuẩn bị đón đoàn chuyên gia UNESCO sang làm việc với ba tỉnh.
Đến nay, Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học làm rõ những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Hiện, các nội dung của Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1.