Tại sao bị cáo vẫn kêu oan?
Các bị cáo gồm: Nguyễn Trọng Hoàng (cựu Chủ tịch UBND); Nguyễn Hữu Nhuệ (cựu Chủ tịch UBND); Bạch Công Thưởng (cựu Phó Chủ tịch UBND); Bạch Trung Tín (cựu cán bộ địa chính).
Trước đó, Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải bài viết: “Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du (Bắc Ninh): Cần làm rõ những cáo buộc chưa đủ căn cứ trong quá trình tố tụng”.
Trong nội dung bài báo có nêu: Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 28/4, TAND huyện Tiên Du đã tuyên phạt 3 bị cáo: Hoàng, Nhuệ và Tín cùng mức án 12 năm tù; bị cáo Thưởng bị tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Sau đó, cả 4 bị cáo đều kháng cáo kêu oan, đề nghị xem xét giảm nhẹ khung hình phạt. Ngoài ra, trong vụ án này, 2 bị hại cũng có đơn kháng cáo về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Trình bày trước HĐXX , bị cáo Nguyễn Trọng Hoàng cho rằng, dự án khu Cầu Chiêu - Bãi Lán (thị trấn Lim) chậm tiến độ, người dân không nhận đền bù, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm trễ. Vì lý do này, bị cáo đã đề xuất phương án hoán đổi đất, đấu giá đất có hạn chế thay vì đấu giá đất công khai đối với các hộ dân không nhận tiền đền bù tại dự án.
Việc này bị cáo có báo cáo UBND huyện Tiên Du; ngày 15/12/210, ông Quang - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du đã chủ trì cuộc họp và có cả các thành phần của Phòng Tài nguyên và Môi trường. Tại cuộc họp, lãnh đạo huyện đồng ý về chủ trương, thống nhất trích lại 10% đất cho các hộ dân có diện tích bị thu hồi. Việc này được các bị cáo ghi chép ở sổ tay cá nhân và đã cung cấp cho HĐXX trong phiên tòa phúc thẩm.
“Bị cáo nói họp rất nhiều lần vì nhân dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù, do 2 dự án liền kề nhau, giá cả đền bù chênh nhau rất lớn nên gây bất lợi cho công tác GPMB”, bị cáo Hoàng trả lời HĐXX.
Từ những lý do trên bị cáo Hoàng cho rằng, hành vi của bị cáo xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân, không vụ lợi cá nhân, nên không cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ”, đề nghị HĐXX xem xét.
Trả lời câu hỏi trước HĐXX, bị cáo Bạch Trung Tín (cựu cán bộ địa chính UBND thị trấn Lim) nói, Tín là cán bộ địa chính thời điểm đó nhưng chỉ làm việc theo chỉ đạo của bị cáo Hoàng, không quyết định thay lãnh đạo của mình. Ở dự án Cầu Chiêu - Bãi Lán, bị cáo nhận chỉ đạo từ bị cáo Hoàng thực hiện ghi chép biên bản thỏa thuận hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở đối với 2 hộ dân, lập ngày 04/7/2014.
Hành vi của bị cáo làm theo chỉ đạo của cấp trên, không thể quyết định thay cấp trên. Thêm nữa, chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện Tiên Du GPMB dự án thời điểm này nhưng lại không thành lập Hội đồng bồi thường, gây khó khăn cho cán bộ cấp dưới. Quá trình thực hiện, cán bộ thị trấn Lim hiểu nhầm về chính sách bồi thường, dự án vẫn cho phép thực hiện bồi thường theo quy định Nhà nước, nhưng chủ đầu tư phải bồi thường 10% cho các hộ dân có đất thu hồi, hỗ trợ 10% đất sạch cho 2 hộ dân (bị hại), đây là chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện Tiên Du.
Từ những vấn đề nêu trên, bị cáo Tín cho rằng, bị cáo “không phạm tội “Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ”, bản thân chỉ là thư ký ghi biên bản theo chỉ đạo của bị cáo Hoàng, không hề ký vào biên bản”, đề nghị HĐXX xem xét.
Tại phiên tòa, bị cáo Nhuệ và bị cáo Thưởng cung cấp thêm cho HĐXX một số tài liệu được xác định là chứng cứ mới với mong muốn, xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Thưởng cung cấp thêm cho HĐXX hồ sơ bệnh án ung thư, giai đoạn 3, hiện đang điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội.
Đi tù vì nhận “chỉ đạo miệng”
Quá trình tranh luận, bị cáo Hoàng và bị cáo Tín cùng các luật sư bào chữa nêu một số câu hỏi, tài liệu đề nghị Viện kiểm sát đối đáp để xác định xem, hành vi của hai bị cáo có phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” như bản án sơ thẩm đã xác định hay không.
Sau khi đối đáp với hai bị cáo Hoàng và Tín cùng các luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bản án sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” là đúng pháp luật. Với quan điểm trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo kêu oan của hai bị cáo Hoàng và Tín, đồng thời đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo Nhuệ và Thưởng.
Bị cáo Nhuệ và Thưởng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì có thân nhân tốt, hợp tác thành khẩn với cơ quan điều tra. Quá trình thực hiện nhiệm vụ do nhận thức kém về chuyên môn, mong muốn thúc đẩy nhanh công việc, giúp UBND sớm GPMB dự án. Cả 2 bị cáo làm theo chỉ đạo của cấp trên, ký văn bản thỏa thuận ngày 04/7/2014, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ khung hình phạt.
Giải thích phần trả lời của các bị cáo, Thẩm phán Nghiêm Thị Lượng, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm khẳng định, không có bằng chứng chứng minh UBND huyện Tiên Du chỉ đạo như lời khai của các bị cáo, việc chỉ đạo tại các cuộc họp chỉ là ghi trong sổ tay của các bị cáo, là chỉ đạo miệng.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm đồng quan điểm khẳng định, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn, tranh luận công khai tại phiên tòa phúc thẩm, không có cơ sở xác định hai bị cáo Hoàng và Tín bị oan. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Hoàng và bị cáo Tín.
Mặc dù không chấp nhận nội dung đơn kháng cáo kêu oan, nhưng sau khi xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho hai bị cáo Hoàng và Tín theo quy định của pháp luật.
Còn đối với đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo Nhuệ và Thưởng, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định là có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo này.
Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định sửa án sơ thẩm từ 12 năm tù xuống 10 năm tù đối với hai bị cáo Hoàng và Tín; sửa án sơ thẩm từ 12 năm tù xuống 6 năm tù đối với bị cáo Nhuệ và sửa án sơ thẩm từ 10 năm 6 tháng tù xuống 5 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Thưởng.