Chính sách mới “trám chỗ trống”
Những năm qua, hàng trăm chính sách (trực tiếp hoặc gián tiếp) đã được ban hành để đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi. Chính sách nhiều nhưng lại vận hành theo mô hình hỗ trợ là chính nên chưa thể tạo động lực phát triển cho địa bàn này.
Như Bản Tèn, một trong những địa bàn khó khăn nhất của xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Trưởng bản Vương Văn Tình cho biết, từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án để giúp đỡ bà con giảm bớt khó khăn.
Ông không nắm rõ đó là những chính sách gì, chỉ biết hộ nghèo trong xóm được hỗ trợ tiền làm nhà, hỗ trợ tiền điện, được cấp miền phí cây con giống; xóm được xây cầu cho bà con qua sông, làm đường bê tông để thuận tiện đi lại, được xây công trình nước sinh hoạt tự chảy; con trẻ được xây trường lớp kiên cố an tâm học tập; điện lưới quốc gia cũng được kéo về phục vụ sinh hoạt và sản xuất,…
Được hỗ trợ nhiều là vậy nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Bèn Tèn vẫn rất cao. Tính đến cuối năm 2018, cả bản có 123 hộ, gần 600 nhân khẩu (100% dân số là đồng bào dân tộc Mông) thì có đến 117 hộ nghèo.
Thực tế ở Bản Tèn đã nêu lên một “điểm nghẽn” khá phổ biến lâu nay trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi. “Điểm nghẽn” này được ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu ra tại Hội thảo góp ý vào “Báo cáo đánh giá thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025” do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 17/6 vừa qua tại Thái Nguyên.
Ông Kiên cho rằng, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi lâu nay mới dừng lại ở chỗ “trám chỗ trống”, tức là đồng bào thiếu cái gì thì xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ để bù đắp cho thiếu hụt đó. Vì tư duy này mà nhiều chính sách ban hành-dù rất nhân văn nhưng trong điều kiện nguồn lực hạn chế đã không tạo được động lực để phát triển vùng.
Ông Kiên dẫn chứng: Như chính sách “phủ” điện lưới ở vùng DTTS và miền núi, mục tiêu đặt ra là đồng bào DTTS được sử dụng điện. Vậy tại sao cứ phải đặt yêu cầu là kéo điện lưới quốc gia mà không tìm phương án sử dụng nguồn điện khác. Bởi để kéo nguồn điện lưới quốc gia thì tốn kém vô cùng, trong khi ở một số nơi đồng bào DTTS sinh sống rải rác.
“Mở rộng ra, chúng ta cần xác định mô hình chung để phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Đây là vấn đề căn bản, từ đó mới có những chính sách phù hợp để tăng trưởng khu vực này”, ông Kiên cho biết.
Lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp
Vấn đề Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu đã phản ánh một thực tế rằng, thời gian qua, chính sách triển khai ở vùng DTTS và miền núi hầu hết mới chỉ được thiết kế để giải quyết những vấn đề mang tính tình thế, trước mắt. Vì thế, hiệu quả của chính sách cũng mới giải quyết được “phần ngọn”, chưa tạo động lực để phát triển tổng thể vùng DTTS và miền núi.
Điều căn bản nhất là, trước khi xây dựng chính sách cho vùng DTTS và miền núi thì cần định hình được mô hình tăng trưởng phù hợp cho vùng DTTS và miền núi, thậm chí cho từng địa phương, khu vực. Đây là quan điểm của các chuyên gia, các nhà khoa học nhấn mạnh tại Hội thảo góp ý vào “Báo cáo đánh giá thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025”.
TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người DTTS-nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng, thời gian qua, có rất nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi, bao phủ trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đại đa số chính sách đều thiếu nguồn lực thực hiện, manh mún, nhỏ lẻ.
“Trung ương có chủ trương cho phép các địa phương lồng ghép vốn các chương trình, dự án. Nhưng địa phương không thể thực hiện được vì mỗi chương trình, dự án đều có cơ chế riêng, cơ quan quản lý riêng”, ông Lương cho biết.
Từ quan điểm này của ông Hoàng Xuân Lương, nhìn rộng ra có thể thấy, lâu nay, việc thúc đẩy tăng trưởng vùng DTTS và miền núi đang chủ yếu dựa vào các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; mỗi chính sách là một mảnh ghép tạo nên một mô hình tăng trưởng rất rời rạc, thiếu tính liên kết giữa các mảnh ghép.
Vì thế, sự tăng trưởng của vùng DTTS và miền núi không có chiều sâu, thiếu tính bền vững. Minh chứng rõ nhất là tình trạng thoát nghèo rồi lại tái nghèo thường xuyên diễn ra ở khu vực này. Thêm một thực tế nữa là, khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS và miền núi với các vùng miền khác đang ngày càng dãn ra.
Để vùng DTTS và miền núi phát triển bền vững, “chậm nhưng chắc chắn” thì rất cần định hình một mô hình tăng trưởng phù hợp. Mô hình này không nhất thiết phải áp dụng cho toàn vùng mà căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, khu vực. Chẳng hạn, nếu địa phương có tiềm năng, lợi thế về rừng thì tập trung hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ để người dân làm giàu từ rừng… Có như vậy, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi mới “xoáy” vào được những điều người dân cũng như chính quyền địa phương đang có nhu cầu; từ đó khai thác tối đa nội lực tại chỗ để phát triển.
SỸ HÀO