Tiên phong xây dựng nông thôn mới
Huyện Văn Lãng có 161 Người có uy tín. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Người có uy tín đã tích cực phát huy vai trò của bản thân trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; tích cực vận động gia đình và cộng đồng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả.
Ông Hà Văn Minh, sinh năm 1983, thôn Pác Ca, là Người có uy tín tiêu biểu xã Thành Hòa. Những năm qua, ông, đã không ngại khó, ngại khổ, trực tiếp đến từng hộ gia đình trong thôn để tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng phát triển kinh tế, vận động Nhân dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn.
Cụ thể, ông Minh đã vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, đóng góp tiền mua vật liệu (Nhà nước đã hỗ trợ xi măng) làm đường bê tông ngõ xóm được 2km; vận động Nhân dân phát quang tầm nhìn, tu sửa đường ngõ xóm được 600 ngày công, đảm bảo cho Nhân dân đi lại thuận tiện và vệ sinh môi trường; cùng các tổ chức đoàn thể trong thôn vận động Nhân dân đóng góp 14 triệu 700 nghìn đồng, 150 ngày công để xây dựng nhà văn hóa thôn (tổng kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn là 156 triêu 300 nghìn đồng).
Tương tự, ông Hoàng Văn Lợi, Người có uy tín, thôn Bản Tăm, xã Tân Tác vận động các hộ gia đình hiến đất làm đường liên thôn Bản Cấn – Bản Tăm, mở mới đường Bản Tăm – Khun Dương. Các hộ hiến đất lâm nghiệp, với tổng số khoảng 1.300m2, đất nông nghiệp khoảng 600m2 và một số cây cối khác trên đất, đóng góp tiền được làm nhà văn hóa thôn 22 triệu đồng, đóng góp 460 ngày công; làm đường bê tông ngõ xóm được 120m dài, rộng từ 1 đến 3m...
Ngoài ông Hà Văn Minh và ông Hoàng Văn Lợi nêu trên, huyện Văn Lãng còn hàng chục Người có uy tín tiêu biểu, đã gương mẫu đi đầu trong công tác vận động, tuyên truyền bà con Nhân dân hiến đất mở rộng các con đường, chung tay xây dựng các thiết chế văn hóa, thắp sáng đường quê, vệ sinh đường làng ngõ xóm, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Như bà Hoàng Thị Min, ở thôn Đon Chang (Thanh Long), rất tích cực phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể thôn vận động Nhân dân tham gia đóng góp ngày công để xây mới nhà văn hóa thôn, với tổng diện tích là 70m2; vận động Nhân dân tham gia đóng góp tiền và ngày công xây dựng đường nội đồng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, với tổng diện tích 105m. Ông Hoàng Văn Bẻo, Người có uy tín thôn Pò Hà, xã Trùng Khánh, đã trực tiếp hiến một thửa ruộng của gia đình để làm đường với chiều dài khoảng 40m;..
Gương sáng trong phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa
Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, những Người có uy tín luôn đi đầu trong việc học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất; biết cách tổ chức sản xuất theo phương pháp khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả của Người có uy tín đã trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng học tập noi theo.
Tiêu biểu như gia đình ông Mông Thanh Quân, thôn bản Cáp, xã Gia Miễn với mô hình phát triển kinh tế đồi rừng; ông Trương Kiến Tri, thôn Lũng Vài, xã Bắc Hùng, với mô hình sản xuất vật liệu xây dựng thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm; bà Lăng Thị Nạnh, xã Trùng Khánh với mô hình xưởng sản xuất gỗ ép; ông Phù Văn Nguyên xã Thanh Long với mô hình trồng cây hồi kết hợp với chăn nuôi bò; ông Hoàng Văn Phu (xã Tân Mỹ), ông Hoàng Văn Hưng (xã Hoàng Việt) với mô hình trồng Hồng vành khuyên... cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.
Bà Chu Thị Bích Hảo, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Văn Lãng nhận định, đội ngũ Người có uy tín không những biết làm giàu cho bản thân, gia đình mình mà còn phổ biến, giúp đỡ, hướng dẫn nhiều gia đình, người dân trong thôn, dòng họ các phương thức sản xuất hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; tích cực hưởng ứng, góp công, góp của, hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, thực hiện các chính sách dân tộc tại nơi cư trú.. Qua đó, đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống, nâng cao dân trí ở nông thôn.
Bên cạnh đó, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được duy trì, phát huy như: lễ cấp sắc dân tộc Nùng, Tày; lễ sinh nhật cho người cao tuổi dân tộc Nùng; ngày hội cổ truyền Báo Slao xã Hội Hoan 27/3; hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian, món ăn truyền thống được khôi phục. Loại bỏ những hủ tục lạc hậu, các hoạt động mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang.
Người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, những Người có uy tín đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở các cấp.
Ngoài ra, Người có uy tín đã tích cực tham gia làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh tố giác các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; tham gia quản lý giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật, đối tượng đặc xá, người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy. Trong đó, Người có uy tín đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng liên quan đến tội phạm và tệ nạn xã hội, giúp cho các cơ quan chức năng đấu tranh bắt giữ, xử lý các đối tượng, nhất là trong đấu tranh chống tội phạm trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản, buôn bán ma túy qua biên giới.