Với diện tích chiếm tới 3/4 lãnh thổ trên cả nước, vùng dân tộc, miền núi Việt Nam là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp và đóng vai trò chiến lược về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Vì thế, việc đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, hội nhập miền núi với sự phát triển của cả nước.
Gắn kết, tổ chức phát triển sản xuất
Là tỉnh miền núi, nhưng những năm qua, lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX ở Sơn La đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Sự phát triển của mô hình HTX tại Sơn La đã khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản.
Anh Bùi Văn Tế, ở bản C5, xã Chiềng Khoong (huyện Sông Mã) cho biết: Khi chưa có HTX, nhà anh cũng như nhiều hộ nông dân ở đây, chỉ trồng cây ăn quả theo hướng tự phát, năng suất, sản lượng thấp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, đầu ra sản phẩm rất bấp bênh, thường bị thương lái ép giá. Từ năm 2017, gia đình anh cùng 9 hộ gia đình đã liên kết thành lập HTX Bảo Minh; tập trung áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tạo ra các sản phẩm cây ăn quả có múi đạt năng xuất, chất lượng tốt và an toàn, có sức cạnh tranh cao.
Theo số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện nay, vùng DTTS và miền núi có 11.558 HTX, chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, 35 liên hiệp HTX, 61.471 THT; số HTX hoạt động hiệu quả đạt 53%. Các HTX vùng DTTS và MN đã tích tụ, tập trung được hơn 1 triệu hecta đất để sản xuất quy mô lớn, hiệu quả hơn.
Theo ông Lê Doanh Phúc, Phó Giám đốc HTX Bảo Minh, mô hình hoạt động HTX đã thay đổi tập quán trồng trọt của hộ cá nhân phân tán trước đây, sang trồng tập trung có đầu tư thâm canh, tạo được chuỗi sản xuất liên kết. Nhờ đó, HTX Bảo Minh đã có 36 ha đất nông nghiệp tập trung trồng nhãn ghép, cùng các loại cây ăn quả như bưởi diễn, bưởi da xanh, cam Vinh... Mỗi năm Hợp tác xã đã thu trên 300 tấn quả các loại, trừ chi phí hợp tác xã có tổng thu nhập gần 4 tỷ đồng, hàng năm tạo công ăn việc làm cho các thành viên của HTX và nhiều lao động địa phương.
Còn tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên),, vài năm gần đây liên tục có các HTX nông nghiệp thành lập mới. Các HTX này hoạt động ở khu vực nông thôn, miền núi, với lĩnh vực phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Anh Nông Văn Tiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trâu Vàng (xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai) chia sẻ: Trên địa bàn có khá nhiều hộ có truyền thống và kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò nhằm tận dụng diện tích chăn thả rộng rãi. Tuy nhiên, kỹ thuật chăn nuôi và khâu tiêu thụ còn nhiều hạn chế, thiếu vốn, thiếu chủ động và định hướng lâu dài. Chúng tôi thành lập HTX, nhằm hỗ trợ nhau mọi vấn đề trong chăn nuôi, nhất là liên kết tìm đầu ra và xuất khẩu sản phẩm.
Nhìn từ thực tế, có thể nhận thấy, các HTX đã thay đổi tập quán trồng trọt của hộ cá nhân phân tán trước đây, sang trồng tập trung có đầu tư thâm canh, tạo được chuỗi sản xuất liên, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, và tận dụng được đất đai và lao động địa phương, các HTX đã phát huy vai trò kinh tế tập thể, liên kết người dân phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.
Tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm
Vai trò của khu vực kinh tế tập thể, ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX phát triển khá nhanh, cả về số lượng và chất lượng, với nhiều mô hình mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị được nhân rộng. Các HTX, không chỉ chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, sang liên kết phát triển sản xuất mà còn góp phần tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.
Cụ thể như, tại HTX Sản xuất và dịch vụ Quảng Hồng (xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn), được xem là một ví dụ điển hình của nhóm HTX nông nghiệp hàng đầu, trong việc tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương này. Theo ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng, với mô hình nuôi ong lấy mật, trước đây, việc sản xuất của các hộ thành viên HTX mang tính riêng lẻ, sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2018, HTX đã đăng ký và xây dựng thương hiệu “Mật ong hương rừng Xứ Lạng”, mỗi sản phẩm đều có tem, mã vạch riêng truy xuất nguồn gốc, được cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay sản phẩm của HTX đạt hạng 3 sao cấp tỉnh, được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng.
Nhờ đó, mô hình nuôi ong lấy mật của HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng được đẩy mạnh phát triển với khoảng 400 đàn ong (tăng 150 đàn so với năm 2017), sản lượng mật mỗi năm đạt khoảng hơn 2.000 lít. Với giá bán mật ong trên thị trường hiện là 250 – 300.000 đồng/ lít, doanh thu của HTX đạt khoảng 500 đến 600 triệu đồng/năm.
HTX Sản xuất và dịch vụ Quảng Hồng, chỉ là một trong rất nhiều HTX trong cả nước đã phát huy vai trò kinh tế tập thể, tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm của địa phương. Các HTX thành lập từ năm 2013 đến nay, đều mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển biến tích cực về quy mô, năng lực quản trị; có 601 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, thu hút 3,7 triệu thành viên, tạo 1,1 triệu việc làm, giảm nghèo. Thu nhập bình quân của thành viên đạt từ 1,8 - 3 triệu đồng/người/tháng. Việc phát triển kinh tế theo mô hình HTX không chỉ góp phần tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm mà còn khẳng định vai trò của HTX trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.