Với lượng phù sa rất màu mỡ cộng với thời điểm nước rút kéo dài đã giúp người dân có những vụ mùa bội thu, tăng thêm thu nhập, đời sống ngày càng ổn định.
Bản Hua Ná, xã Pa Khóa (huyện Sìn Hồ) có khoảng 30ha diện tích ruộng nằm trong vùng ngập của Thủy điện Sơn La, trong đó có hơn 10ha diện tích ruộng bán ngập. Hằng năm, vào thời điểm tháng 3 nước bắt đầu rút, bà con nhân dân trong bản đã tận dụng thời điểm đó để gieo trồng cây ngô, cây lúa. Nhờ có diện tích ngô, lúa bán ngập mà đời sống của bà con nhân dân trong bản cũng được khấm khá hơn.
Như gia đình anh Lò Văn Sươi ở bản Hua Ná, là một trong những người đầu tiên tận dụng việc tích xả nước của Thủy điện Sơn La. Anh Sươi cho biết nhà có 2 sào ruộng ở khu vực bán ngập, trước đây thấy khu vực này thường xuyên bị ngập nên anh không trồng cấy gì, đất hầu như bỏ không.
“Cách đây khoảng 3 năm, mình thấy khu vực này nước lên xuống có chu kỳ, mỗi khi nước rút đất nhiều phù sa, màu mỡ, lại phù hợp với thời gian mùa vụ nên đã thử trồng lúa. Trong vụ đó, cây phát triển rất tốt, ít tốn công chăm sóc, với 2 sào ruộng mình thu hoạch được hơn 10 bao gạo” anh Sươi chia sẻ.
Ông Lò Văn Uôn, Trưởng bản Hua Ná cho biết, từ kinh nghiệm mà anh Lò Văn Sươi chia sẻ, bản đã vận động, hướng dẫn bà con tận dụng lợi thế từ hồ Thủy điện Sơn La. Nhờ đó, bà con trong bản trồng ngô, lúa đạt năng suất khá cao, cùng với việc chăm sóc tốt thì đảm bảo chất lượng, ai ai cũng vui mừng.
Là một trong những xã nằm ở thượng nguồn lòng hồ Thủy điện Sơn La, hiện nay, bà con nhân dân 7/7 bản của xã Pa Khóa đã và đang tích cực tận dụng diện tích đất bán ngập để gieo trồng ngô, lúa đảm bảo theo đúng thời vụ.
Ông Lò Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Khóa cho biết, nhờ tận dụng lợi thế từ hồ Thủy điện Lai Châu, đã giúp đời sống người dân trong xã được nâng cao hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70% (2016) xuống còn 55% (2017), thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/người/năm
Ông Lò Văn Hải cho biết thêm, xã cũng tích cực vận động người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò và thâm canh, tăng vụ, đưa các loại cây giống có năng suất, chất lượng vào gieo trồng. Đến nay xã có trên 900 con trâu và hơn 1.500 con lợn, nhiều hộ chăn nuôi trên chục con trâu, hơn 20 con lợn. Nhờ đó, xuất hiện nhiều hộ dân thoát nghèo nhanh và bền vững như bản Hua Ná. Mỗi năm bản có ít nhất 3-5 hộ thoát nghèo.
HOÀNG QUÝ