Hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số. Nguồn gốc của vấn đề này chính là bất bình đẳng giới. Khắp nơi trên thế giới sự bất công phổ biến này đã làm cho phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, không có việc làm và không giữ vị trí lãnh đạo; hạn chế những nỗ lực cá nhân và khả năng ra quyết định về sức khỏe và đời sống tình dục và sinh sản của họ; và làm tăng nguy cơ dễ bị tổn thương do bạo lực, những thực hành có hại và tử vong mẹ do những nguyên nhân hoàn toàn có thể ngăn chặn được.
Nhân Ngày Dân số Thế giới năm 2023, UNFPA nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng Bằng cách bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái và những người yếu thế; xây dựng luật pháp và chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể huy động được sức mạnh của một nửa dân số trên hành tinh để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay. Một thế giới đa dạng, thịnh vượng với 8 tỉ người đầy những tiềm năng vô hạn phụ thuộc vào điều này.
Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể, toàn xã hội. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây (hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia); tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9 trong số 58 nước; xếp thứ 2 trong số 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu.
Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Mặc dù vậy theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới.
Do đó để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ, trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện mạnh mẽ các chính sách kinh tế - xã hội nhằm vào việc cải thiện vấn đề bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng "trọng nam khinh nữ".
Đồng thời cần xây dựng và ban hành hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế chú trọng đến phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường truyền thông, giáo dục về giới, bình đẳng giới với nội dung, hình thức thích hợp ngay từ sớm nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện bình đẳng giới cho thế hệ trẻ.