Quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt năm 1962. Quần thể có tổng cộng 45 điểm di tích thành phần, trong đó các trọng điểm được đưa vào phục vụ du lịch có hiệu quả, gồm: Bảo tàng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ; Hầm Ðờ-cát-tơ-ri; Ðồi A1; Di tích cứ điểm đồi Him Lam; Tượng đài Chiến thắng tại TP. Ðiện Biên Phủ; Tượng đài kéo pháo tại xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên; Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ và Bãi duyệt binh mừng chiến thắng tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên.
Xác định thế mạnh của các điểm di tích này nên thời gian qua tỉnh Điện Biên đã đặc biệt chú trọng đến công tác đầu tư tôn tạo. Bắt đầu từ năm 1999, nhân dịp Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, dự án đầu tư tu bổ cấp thiết chống xuống cấp di tích được triển khai tại một số hạng mục quan trọng nhất, như: Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ, hầm Ðờ-cát-tơ-ri, đồi A1 và cầu Mường Thanh (được thay thế 90% gỗ mặt cầu, đánh rỉ và sơn lại toàn bộ khung sắt) đã đem lại hiệu quả cao. Đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 225 về Dự án Tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Đây cũng là đợt tu bổ, tôn tạo quy mô lớn nhất từ khi được công nhận đến nay đối với quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Nhờ nỗ lực bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử của quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ liên kết chặt chẽ với các thế mạnh du lịch khác về đặc sắc văn hóa dân tộc, Ðiện Biên dần khẳng định được vị thế du lịch của mình trong các tỉnh Tây Bắc. Năm 2017, 8 tỉnh Tây Bắc đón 24 triệu lượt khách du lịch (tăng 6 triệu lượt so với năm 2016), doanh thu mang lại khoảng 18 nghìn tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến Điện Biên tăng mạnh với hơn 137.000 lượt người. Điều đó, cho thấy việc đầu tư cho du lịch lịch sử của tỉnh Điện Biên đã đem lại những hiệu quả, thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên theo chính quyền tỉnh Điện Biên, việc trùng tu tôn tạo hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương, bởi đây đều là những di tích quản lý của Nhà nước. Công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư đã được đẩy mạnh song vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và vướng mắc nhiều về cơ chế. Công trình duy nhất đến thời điểm hiện tại đầu tư quy mô theo hình thức này là phần mái che hiện vật ngoài trời bằng kính cường lực cho 13 hiện vật và di tích được Tổng Công ty Ðầu tư và Phát triển nhà Hà Nội triển khai trong các năm 2012 và 2013. Do vậy để có thể tiếp tục xây dựng đề án phục dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt của chiến trường Ðiện Biên Phủ tầm nhìn đến năm 2030 thì cần phải có cơ chế đảm bảo hơn thu hút các nguồn đầu tư từ nước ngoài và doanh nghiệp.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Cần phải ưu tiên từ ngân sách Trung ương để đầu tư cho các hạng mục sau khi được quy hoạch. Đồng thời chúng tôi cho rằng, di tích, hay nói khác là một số thế mạnh của chúng ta ở đây thì đều là những di tích quản lý của Nhà nước. Do vậy, nên chúng tôi nghĩ cả tỉnh và cả Trung ương chúng ta phải có cơ chế phù hợp hơn để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước, rồi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đưa vào nội dung này thì mới đáp ứng được.
64 năm trôi qua, song những giá trị của chiến thắng Ðiện Biên Phủ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn thông qua công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Những việc làm ý nghĩa đó đã góp phần quan trọng trong việc đưa di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ trở thành một trong những địa danh du lịch lịch sử hấp dẫn, hút du khách đến với Ðiện Biên. Cùng với việc đẩy mạnh công tác quảng bá, hy vọng rằng quần thể chiến trường Ðiện Biên Phủ sẽ ngày càng phát huy, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, giá trị văn hóa, lịch sử, đưa kinh tế-xã hội của Ðiện Biên tiếp tục khởi sắc trong những năm tiếp theo.
VŨ LỢI