Ngày cuối năm, trong cái lạnh se sắt, sương phủ mờ những ngọn núi, chúng tôi lên Pá Hu, một xã nằm trên độ cao vài nghìn mét so với mực nước biển. Từ trung tâm huyện Trạm Tấu, theo tỉnh lộ 174 đi khoảng 15 cây số là rẽ ngang để ngược núi. Tính từ tỉnh lộ 174 lên trụ sở UBND xã chỉ khoảng 5 cây số nhưng trời nắng đi xe máy phải mất 15 phút; còn trời mưa, đường trơn trượt, đi bộ cũng hơn một giờ đồng hồ mới tới nơi.
Đón chúng tôi ở trụ sở, Bí thư Đảng ủy xã Pá Hu Giàng A Lồng phân trần: “Đấy anh xem, khó khăn là thế, nhưng niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi là được chứng kiến đời sống đồng bào vùng cao nơi đây đang từng ngày khởi sắc”.
Sau chén nước “cho ấm người” như cách nói của ông Lồng, chúng tôi vào thôn văn hóa Tà Tầu. Vừa đi, ông Lồng vừa tranh thủ giới thiệu về Pá Hu. Ông bảo, “Pá Hu”theo tiếng Thái là “rừng sóc”. Xã có 407 hộ/2.147 khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 91%, còn lại là dân tộc Thái.
“Do địa hình hiểm trở, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn, tập quán sản xuất lạc hậu nên trước đây, nghèo đói như một “đặc sản” của Pá Hu. Nhưng giờ Pá Hu đã thay đổi lắm rồi, có đường, có điện, có trạm y tế, bà con lại được hỗ trợ làm nhà, được hỗ trợ cây con giống và hướng dẫn kỹ thuật nên đời sống được nâng lên rất nhiều. Tất cả là nhờ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước”, Bí thư Giàng A Lồng phấn khởi nói.
Đến bản Tà Tầu, chúng tôi vào nhà anh Mùa A Lù, gặp chúng tôi Lù tươi cười nói: “Tết này vợ chồng tôi đã có nhà mới rồi. Điện Chính phủ đã được kéo về tận nhà, được hỗ trợ công tơ, đường dây dẫn, lắp đặt miễn phí bảng điện, công tắc. Vui lắm!”.
Rời nhà vợ chồng anh Mùa A Lù, chúng tôi ngược dốc lên nhà ông Mùa Tráng Sử. Sau cái bắt tay, ông Sử phấn khởi nói: “Sống quá nửa đời người ở đây, giờ mới thấy quê mình đổi mới. Bóng điện thay đèn dầu, đã biết nấu cơm bằng nồi cơm điện, đã có ti vi xem. Không có gì vui bằng”.
Chia sẻ thêm tin vui về sự phát triển của xã, Bí thư Giàng A Lồng bảo, thời gian qua, được thụ hưởng các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, người dân ở Pá Hu đã biết cách làm 2 vụ ngô, lúa, đều đạt 100% cả về diện tích và sản lượng.
Không có trâu, bò chết rét, không để xảy ra cháy rừng, không có tình trạng phá rừng, tỷ lệ trẻ học sinh ra lớp ở 2 bậc tiểu học và THCS luôn đạt cao. Năm 2017, 8 chỉ tiêu về kinh tế đều đạt và vượt theo Nghị quyết của HĐND xã.
“Trước đây, Pá Hu còn những hủ tục như làm “ma khô”-người chết không cho vào quan tài mà treo giữa nhà để 3-4 ngày cho con cái bón cơm... rồi mới đem đi chôn; tục thách cưới từ 15-20 triệu đồng; tình trạng sinh con thứ ba, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Bây giờ thì hạn chế rồi, nhất là không còn tình trạng thách cưới cao nữa, không còn tục “ma khô” nữa”, ông Lồng chia sẻ.
Đặc biệt, chủ trương vận động đồng bào Mông ăn Tết cùng với Tết Nguyên đán đã được người dân nơi đây thực hiện với tinh thần vui vẻ, phấn khởi.
Ngày Tết, người Mông không còn mổ nhiều trâu bò, gà lợn, rượu chè đình đám mà chi tiêu tiết kiệm, người dân tập trung vào sản xuất rồi ăn Tết Nguyên đán cùng các dân tộc Việt Nam.
“Tết Mậu Tuất là cái Tết thứ 5 đồng bào Mông ăn cùng một cái Tết cổ truyền cùng toàn thể dân tộc rồi đấy. Tết đến làng nào cũng tổ chức các hoạt động vui Xuân.
Đặc biệt, những tiết mục văn nghệ đặc sắc, các trò chơi dân gian, như ném pao, chọi gà, bắn nỏ, múa khèn… không thể thiếu được trong những ngày Xuân này", Bí thư Giàng A Lồng phấn khởi nói.
NGỌC TUẤN