Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (lần 2). Một điểm được cho là đột phá trong Dự thảo là, Bộ đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học-Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, đề xuất này của Bộ dựa trên định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 (Nghị quyết 29) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong Nghị quyết 29, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Trung ương đặt ra để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự thảo đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, việc ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là hết sức nhân văn và cần được ủng hộ. Câu hỏi “bao giờ giáo viên sống được bằng lương?” không chỉ là trăn trở riêng của ngành Giáo dục.
Còn ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính TP. Đà Nẵng thì cho rằng, đây là việc đúng đắn và nên làm. Lâu nay, lương của giáo viên là vấn đề nhức nhối của xã hội. Việc tăng lương cho giáo viên cần sớm thực hiện để các nhà giáo yên tâm công tác, phục vụ tốt cho việc dạy và học, bảo đảm cho sự phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp, dù rất nhân văn nhưng cần quan tâm đến tính khả thi. Như chia sẻ của GS. Nguyễn Lân Dũng, không biết quy định này có thực hiện được hay không khi tới đây, số lượng giáo viên sẽ phải tuyển thêm là cả vạn người cho các môn mới. Nguồn lực có đủ không nếu xếp lương cho giáo viên ở mức cao nhất trong thang, bảng lương hành chính sự nghiệp?
“Cả nước hiện có gần 1 triệu giáo viên, tới đây tăng lương, chúng ta có đủ tiền không?”, GS. Dũng trăn trở.
Còn ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về các vấn đề xã hội-Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thì nói thẳng: Chúng ta đang lo lắng nợ công quá cao, ngân sách thì khó khăn, đưa ra viễn cảnh đẹp thì ai cũng hoan nghênh nhưng liệu có thực hiện được không? Ngân sách ở đâu cho việc tăng lương, miễn học phí thì phải tính toán hết sức cụ thể, không nên thực hiện một cách duy ý chí”.
Phải khẳng định, để đổi mới giáo dục thì yếu tố tiên quyết chính là đội ngũ giáo viên. Cùng với việc thực hiện bổ sung, đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng được các yêu cầu giáo dục-đào tạo trong tình hình mới, thì ngành Giáo dục cần phải có những cơ chế, chính sách để ổn định công tác, cuộc sống cho lực lượng giáo viên hiện có. Trong đó, việc tăng lương cho giáo viên là hết sức cần thiết.
Nhưng thẳng thắn mà nói, đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang, bảng lương hành chính sự nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Dự thảo không hẳn đã mới. Thậm chí có thể đánh giá là khá muộn. Bởi câu hỏi: “bao giờ giáo viên sống được bằng lương” không phải mới được đặt ra từ vài năm gần đây mà đã dai dẳng từ lâu.
Một thực tế nữa là, trong năm 2017, nhiều vấn đề của ngành đã khiến dư luận xôn xao, còn trên nghị trường thì nổi sóng. Những ý tưởng cải cách, đổi mới của ngành (bỏ biên chế giáo viên, cải tiến chữ viết, xóa sổ ban đại diện cha mẹ học sinh, giải tán phòng giáo dục,… ) liên tiếp được đề xuất; nhưng sau khi bị phản biện thì có phần “im hơi lặng tiếng”. Vậy, với đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp liệu có rơi vào tình cảnh như các đề xuất, ý tưởng trước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không?
Thiết nghĩ, đề xuất tăng lương hay xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là hết sức cần thiết, đúng tinh thần của Nghị quyết 29. Điều quan trọng là “nói phải đi đôi với làm”, phải bằng những phương án phù hợp, đề ra những lộ trình cụ thể thì đề xuất này chắc chắn sẽ được chấp thuận, không tạo áp lực lên gánh nặng ngân sách.
SỸ HÀO