Nhiều ao hồ, sông suối đã trơ đáy
Theo ghi nhận của phóng viên tại lòng hồ thủy điện Cần Đơn, thuộc địa phận thôn 10, xã Thiện Hưng, vào thời điểm này những năm trước, diện tích mặt nước ở đây còn khá lớn. Theo đó, người dân chỉ cần đặt máy bơm trực tiếp để lấy nước vào vườn tiêu. Tuy nhiên, đến thời điểm này mặt hồ thu hẹp lại rất nhiều, nhiều điểm trên lòng hồ đã trơ đáy. Để có nước tưới tiêu, các hộ dân phải đưa máy cuốc vào mé hồ để móc ao giành giật nhau từng mét khối nước cứu hồ tiêu. Đi dọc quanh lòng hồ, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh các máy bơm nước đang hoạt động hết công suất với hệ thống ống tưới nằm chằng chịt.
Hồ nước cạnh nhà anh Nguyễn Văn Hiếu (ấp 10 Mẫu, xã Phước Thiện) chỉ còn đọng lại một ít.Anh Nguyễn Văn Thắng (thôn 10, xã Thiện Hưng) là người trồng tiêu lâu năm ở địa phương cho biết: “Đã hơn 3 tháng nay, trên địa bàn huyện chưa có mưa, trái lại thời tiết càng ngày càng khô hạn. Như mọi năm, vào thời điểm này nước trong các ao hồ, sông suối còn khá nhiều và đảm bảo cho người nông dân tới tiêu, nhưng năm nay gần như đã khô cạn. Để có nguồn nước tưới trước mắt, hầu hết các gia đình đều thuê máy múc đào ao để tích nước cho cây trồng, tranh thủ tưới ngày đêm. Nếu tình trạng nắng nóng kéo dài thì sẽ tiếp tục đầu tư ống kéo ra giữa lòng hồ để lấy nước”.
Anh Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Chưa có năm nào vừa ra tết tình trạng nắng nóng khủng khiếp như năm nay, thời điểm này mọi năm gia đình tôi và nhiều hộ dân trong khu vực còn tận dụng nước từ con suối để tưới cho cây trồng. Thế nhưng vừa ra tết suối đã hết nước, do khu vực này từng chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán năm 2016. Do đó, 10 nhà đã có 9 nhà phải khoan giếng để lấy nước tưới cây. Nhưng nếu nắng nóng thêm một thời gian nữa mà không có mưa thì tình hình vẫn chưa biết sao nên nhiều bà con đã chủ động sử dụng nước tiết kiệm”.
Còn tại đập M26 (ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện) để ứng phó với hạn hán Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức nạo vét, nâng cấp đập với kinh phí 7,7 tỷ đồng. Đến nay, đập đã đưa vào hoạt động. Đập M26 có diện tích mặt nước hơn 18ha với lượng nước tích trữ 240 ngàn m3 để phục vụ cho diện tích cây trồng quanh lòng hồ và gần 100ha lúa thuộc các cánh đồng của 2 xã Phước Thiện và Thiện Hưng. Tuy nhiên, mới đầu mùa khô diện tích mặt nước đập đang suy giảm nhanh, nhiều khu vực nước đã rút xuống hơn 1 mét so với bờ. Ngay tại đập ngăn, nước rút ra xa bờ hơn 10m, toàn bộ khu vực cánh đồng ruộng bên kia đập đều không có nước.
Đối phó với “giặc” hạn
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Bù Đốp: Mùa khô năm 2016, tổng thiệt hại của Bù Đốp do hạn hán gây ra khoảng 15 tỷ đồng. Để chủ động phòng chống hạn trong mùa khô 2018-2019, UBND huyện, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức đi kiểm tra, rà soát các hồ, đập thủy lợi, bàu, bưng tích trữ nước, các khu vực thường xuyên thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt. Từ đó để có kế hoạch cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ Nhân dân. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng các công trình cấp nước cần xây dựng trên địa bàn.
Nông dân Bù Đốp tận dụng mọi nguồn nước hiện có để tưới tiêu.Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết: để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người trong mùa khô, Phòng đã tổ chức phối hợp với Công ty TNHH MTV-DV thủy lợi Bình Phước và Nhà máy thủy điện Cần Đơn có kế hoạch xả nước phục vụ cho các xã Tân Tiến, Tân Thành, Thanh Hòa, thị trấn Thanh Bình.
Đồng thời, phối hợp UBND các xã thị trấn tổ chức kiểm tra rà soát tất cả các hồ chứa nước, các điểm cấp nước tập trung; xây dựng lịch thời vụ hợp lý và xem xét điều chỉnh chuyển đổi cây công nghiệp lâu năm thường xuyên bị hạn hán sang cây trồng khác và dừng canh tác đối với hoa màu…
Đã hơn 3 tháng nay, trên địa bàn huyện chưa có mưa, trái lại thời tiết càng ngày càng khô hạn. Như mọi năm, vào thời điểm này nước trong các ao hồ, sông suối còn khá nhiều và đảm bảo cho người nông dân tới tiêu, nhưng năm nay gần như đã khô cạn. Để có nguồn nước tưới trước mắt, hầu hết các gia đình đều thuê máy múc đào ao để tích nước cho cây trồng, tranh thủ tưới ngày đêm”. Anh Nguyễn Văn Thắng (thôn 10, xã Thiện Hưng)
VĂN ĐOÀN