Độc đáo nón ngựa
Về Cát Tường huyện Phù Cát tỉnh Bình Định, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất nón lá ngựa của ông Đỗ Văn Lan. Ông Lan năm nay 72 tuổi, đã có hơn 55 năm gắn bó với nghề làm nón ngựa. Theo ông Lan, ban đầu nón ngựa chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, quyền quý. Với những mẫu hoa văn như long, lân, quy, phụng thể hiện quyền uy trong thời đại phong kiến. Những người có chức sắc khác nhau, các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau. Trông vào đó ta có thể biết được phẩm hàm của từng quan lại trong địa phương. Từ xã trưởng trở lên mới có chụp bằng đồng hay bạc chạm trổ theo phẩm trật, trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn hoắt.
Giờ đây, nón ngựa trở thành một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo bởi sự cầu kỳ, tỉ mẩn và tài hoa trong từng đường nét. Bà Trần Thị Kéo (82 tuổi), là một trong những người đã dành gần như trọn tuổi đời cho nón ngựa Phú Gia chia sẻ: Để có được một chiếc nón thành phẩm, người làm phải vào rừng tìm cây giang, lá kè (lá cọ), rễ dứa rừng và chuẩn bị các dụng cụ cước, chỉ màu, vải the... và thực hiện trên chục công đoạn và may thành 7 lớp mới xong nón ngựa. Thế nhưng, cũng tùy theo kích cỡ (nam đội nón 44cm và nữ đội nón 42cm), người thợ sẽ phải mất từ 3-10 ngày mới làm xong nón. Bà Kéo còn cho hay, trong các công đoạn làm nón, có 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón.
Làng nghề trong xu thế hội nhập
Khi xưa, ở làng nghề nón ngựa Phú Gia hầu như nhà nào cũng làm nón nhưng qua thời gian, làng nghề gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên chỉ còn lại khoảng 100 hộ có tâm huyết muốn giữ lại nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của cha ông. Có thể nói, khó có nghề nào mà mức độ phổ cập như nghề làm nón ngựa Phú Gia. Từ trẻ em 10-15 tuổi tới các cụ già 60-70 tuổi đều có thể đảm nhận một khâu làm nón. Ở đây, trẻ em 10 tuổi là đã được nhắc việc học làm nón, 15 tuổi đã ra thợ lành nghề. Ngoài giờ học, nhiều em ngồi chăm chỉ chằm nón, phụ giúp kinh tế gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tâm (66 tuổi) một người am hiểu về nghề nón ngựa cho hay: Nhờ có nghề nón phát triển nên con em ở đây ít tình trạng thiếu việc làm, không nghề khác thì ở nhà làm nón cũng sống được. Bởi sản phẩm của làng nghề hiện nay được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đến thăm quan làng nghề, khi ra về ai cũng mua một chiếc nón để làm món quà lưu niệm. “Nhờ thông thương kinh tế, phát triển du lịch, chiếc nón Phú Gia đã tỏa đi khắp năm châu”, bà Tâm tự hào chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Lan lại tìm hướng đi riêng để nâng tầm sản phẩm nón bằng cách, kết nối với công ty lữ hành đưa du khách đến thăm quan và bán các sản phẩm nón ngựa với giá từ 300.000-3.000.000 đồng/cái. Cũng theo ông Lan, để sản phẩm nón ngựa Phú Gia được biết đến rộng rãi, các ngành chức năng tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh công tác quảng bá làng nghề gắn với phát triển du lịch. Có như thế mới bảo tồn, lưu giữ được nét truyền văn hóa của nón ngựa Phú Gia-sản phẩm thủ công độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định.
Minh chứng cho điều đó là chiếc nón “gia bảo” là kỷ vật của người mẹ để lại cho ông Lan, cũng chính là khuôn mẫu để ông Lan bắt tay làm những chiếc nón ngựa. Dù đã ngả màu thời gian nhưng chiếc nón ngựa vẫn chắc chắn. Vành cứng, chỉ thêu còn nguyên màu, rõ hoa văn, chữ nghĩa, lá chưa sờn. Điều bất ngờ nằm ở chỗ, chiếc nón này có tuổi đời đúng hơn thế kỷ và được sử dụng liên tục 45 năm.
Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Mỗi phiên chợ (5 ngày một phiên) có gần 1.000 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh thành khắp cả nước và ra nước ngoài để phục vụ đời sống hoặc bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm. Đó là động lực để những người ở làng nón ngựa Phú Gia quyết tâm giữ nghề, như giữ lại nét văn hóa, tinh hoa của cha ông ngày trước.
THÀNH NHÂN