Tập trung ở các xã như Tam Giang Tam Hải, Tam Nghĩa. Trong khi đó các diện tích rừng ngập mặn dọc ven biển ở các địa phương khác cũng ngày càng thu hẹp.
Còn tại Quảng Ngãi cũng chính vì nuôi tôm phát triển mà hàng trăm ha rừng bị san ủi, chặt phá. Theo ông Trần Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, trước đây xã có đến hơn 50ha rừng ngập mặn. Thế nhưng, nhiều người dân bất chấp sự vận động, can ngăn của chính quyền mà ồ ạt phá đi rất nhiều diện tích đước, sú, dừa nước. Dần dần, khu vực này chỉ còn vài cây trên diện tích chưa đầy 1ha…
Trước việc diện tích rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp, những năm gần đây, hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã quyết tâm khôi phục, phát triển rừng ngập mặn. Tại Quảng Nam, theo kế hoạch, năm 2018, dự án trồng rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Núi Thành sẽ triển khai tại xã Tam Hòa với quy mô gần 8ha.
Còn Dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, với tổng diện tích trồng phục hồi rừng ngập mặn là 27,45ha, trong đó trồng rừng 23,90ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là 3,55ha, với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng đang tiến triển tốt.
Với sự vận động, tuyên truyền tích cực người dân cũng đã sớm nhận ra hậu quả của việc tàn phá rừng ngập mặn. Ông Nguyễn Ngọc Chính, ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang chia sẻ: “Người dân quê tôi đã thấy tác hại của việc phá rừng và lợi ích thiết thực của dự án phục hồi rừng ngập mặn. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng trồng không để người dân chặt phá rừng như những năm về trước nữa”.
Còn tại Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều dự án khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn, nhằm giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển và tạo ra sinh kế cho người dân.
Giai đoạn 2015-2020, Quảng Ngãi có 4 dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển là trồng mới 308ha rừng ngập mặn; trồng 192ha rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường; trồng 200ha, cải tạo 50ha rừng ngập mặn ven biển các xã ven biển. Như tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, trong vòng 2 năm nay, đã có hơn 60ha diện tích cây đước và cóc trắng bản địa được trồng mới, nâng tổng số diện tích rừng ngập mặn tại đây lên gần 100ha.
PV