Theo Hội Nông dân (HND) tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2019-2022, Quỹ HTND đã giải quyết cho 675 lượt hộ, với tổng số tiền 19,4 tỷ đồng để triển khai 61 dự án. Trong đó, có 12 dự án đầu tư cho trồng trọt, 45 dự án chăn nuôi, 5 dự án nuôi trồng thủy sản, 5 dự án ngành nghề khác. Các dự án trong hạn đều được đánh giá có hiệu quả về kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ vay.
Là một trong những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, mô hình chăn nuôi bò hiện đang phát huy rất tốt về hiệu quả sử dụng vốn. Tại xã Bắc Phong (Thuận Bắc), 13 hộ triển khai dự án nuôi bò vỗ béo, sau 2 năm cho kết quả tốt, mỗi hộ lãi 16 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Đức ở xã Phương Hải (Ninh Hải) phấn khởi chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi muốn phát triển nuôi bò vỗ béo nhưng gặp khó khăn về vốn, nhờ nguồn vốn của Quỹ HTND mà tôi có điều kiện mua thêm bò, lựa chọn giống tốt và được địa phương hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, đến nay đàn bò đang phát triển tốt. Các dự án chăn nuôi bò vỗ béo triển khai tại xã Phước Vinh (Ninh Phước), Nhơn Hải (Ninh Hải), Công Hải (Thuận Bắc),... đều đạt kết quả cao.
Ngoài các dự án chăn nuôi, còn có các dự án trồng táo bao lưới ngăn ruồi vàng, làm muối thương phẩm, trồng măng tây xanh, nuôi hàu sữa, cải tạo vườn nho,... Kể từ khi tham gia dự án, bà con đã biết áp dụng kỹ thuật và tạo mối liên kết giữa các hộ trong nhóm cùng hỗ trợ nhau về kiến thức và thực hiện đúng quy trình sản xuất để đem lại hiệu quả cao theo mục tiêu của dự án.
Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Việc xây dựng nguồn Quỹ HTND được sự quan tâm của Trung ương HND Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây là kênh hỗ trợ vốn hiệu quả cho hội viên, góp phần xây dựng những mô hình sản xuất cho thu nhập cao, có sức lan tỏa. Thời gian tới, Hội định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay, cung ứng con giống, vật tư đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm. Để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh theo dõi chặt chẽ quy trình trợ vốn, phân công các thành viên thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên để giúp hội viên sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Đồng thời, tiếp tục xoay vòng nguồn vốn khi đến hạn thu hồi, triển khai thêm các dự án mới khả thi.