Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, có hiệu lực kể từ 1/7/2024. Một trong những nội dung quan trọng của luật, đó là việc đổi thẻ CCCD thành thẻ căn cước. Theo đề xuất từ Bộ Công an, không chỉ đơn thuần là đổi tên, thẻ căn cước còn có rất nhiều điểm mới so với thẻ CCCD. Ví dụ mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú", trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải…
Theo quy định tại luật Căn cước, kể từ 1/7, cơ quan chức năng sẽ bắt đầu cấp thẻ căn cước, mẫu thẻ CCCD gắn chip sẽ dừng sản xuất. Một số trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước, gồm:
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
Thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip hết hạn sau ngày 1/7 (thời hạn in trên mặt trước, góc dưới cùng bên trái của thẻ) thì phải đổi sang thẻ căn cước.
Chứng minh nhân dân (CMND) còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng. Tuy nhiên, sau thời điểm này, người dân bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước.
Đồng thời, thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Ngoài ra, người dân có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu) trong một số trường hợp sau:
Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu, thông qua người đại diện. Đây là quy định mới tại luật Căn cước so với luật CCCD, nhằm mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước.
Công dân đã có thẻ CCCD gắn chip nhưng muốn đổi sang thẻ căn cước.
Công dân có thay đổi thông tin về nhân thân, thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính, khi số định danh cá nhân được xác lập lại...
Cũng theo khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước quy định, các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm: Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này; được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
Đối với những trường hợp không đi đổi sang thẻ Căn cước trong trường hợp phải đổi lại, cấp lại tức là không thực hiện đúng quy định về cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, hành vi này sẽ bị phạt bằng một trong các mức như phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 – 500 nghìn đồng.
Do đó, để không bị phạt thì khi thuộc trường hợp phải đổi thì công dân cần đi thực hiện ngay thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước.