Xây dựng bản nghèo thành bản du lịch
Theo quan niệm thông thường, già làng, trưởng thôn, Người có uy tín… thường do những người đàn ông đảm nhận. Nhưng hiện nay, ở các bản làng vùng cao, nhiều chị em phụ nữ lại được người dân tin tưởng, giữ trọng trách ở các vị trí này. Thời gian qua, bằng nhiệt huyết, trí tuệ của mình, họ đã bản lĩnh bước ra khỏi những màn sương vô hình, khẳng định được vai trò, vị thế và dần làm thay đổi ý thức, cách nhìn nhận của cộng đồng về người phụ nữ.
Nặng lòng cống hiến cho quê hương nên dù đã đến tuổi được nghỉ hưu, bà Ngân Thị Hà, Người có uy tín của bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vẫn nhanh nhẹn, nhiệt tình làm công tác xã hội bằng tất cả sự chăm chút, cùng bà con xây dựng một bản Xiềng ngày càng phát triển.
Với kinh nghiệm của một cán bộ từng giữ chức vụ chủ tịch UBND xã, hiện là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Môn Sơn, bà Hà thường xuyên gần gũi, sâu sát với đời sống Nhân dân, được nhân dân tin yêu, ủng hộ và noi theo. Đặc biệt, sau khi được bà con dân bản tín nhiệm, bầu là Người có uy tín, bà đã cùng với cấp ủy, ban quản lý thôn bản, vận động Nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Một trong những đóng góp tích cực của bà Hà là việc gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng, gắn với phát triển dịch vụ, trồng trọt, chăn nuôi, đưa bản Xiềng trở thành địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện Con Cuông được UBND tỉnh công nhận làng nghề, là thôn bản đầu tiên của xã Môn Sơn về đích nông thôn mới.
Trăn trở trước thực trạng lớp trẻ đang dần “tây hoá” về trang phục và không còn mặn mà với thổ cẩm truyền thống, Người có uy tín Ngân Thị Hà đã cùng với các thành viên ban quản trị Hợp tác xã ngược xuôi tìm các nghệ nhân truyền nghề, tìm lại từng mẫu hoa văn, chiếc khung cửi…, với mong muốn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Nhờ sự miệt mài, từng bước tháo gỡ nút thắt đó, đến nay, bản Xiềng đã rộn rã tiếng dệt vải, bà con có thêm khoản thu nhập ổn định trong những ngày nông nhàn, số hộ nghèo giảm mạnh, đời sống của bà con đã được nâng lên rõ rệt.
Để vận động nhân dân thực hiện chủ trương làm du lịch cộng đồng, bà Hà đã đi từng nhà, nói cho bà con hiểu, phải đồng lòng, người xây dựng homestay, người trồng rau, chăn nuôi sạch cung cấp hậu cần, nữ giới tham gia các đội văn nghệ… Từ chỗ nhiều người còn chưa hiểu homestay là gì, bà con bản Xiềng đã dần tin tưởng, hưởng ứng, xây dựng khu du lịch Pha Lài phát triển, là điểm nhấn du lịch văn hóa thu hút du khách muôn phương.
Đẩy lùi tảo hôn, phát triển kinh tế
Hành trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống văn hóa, văn minh nơi vùng cao không chỉ ghi dấu những cống hiến lớn lao của những nữ Người có uy tín, già làng, những người được ví như những cây cổ thụ, mà nhiều phụ nữ DTTS trẻ tuổi nơi đây cũng đang ngày ngày góp sức trẻ, sự nhiệt huyết, nối tiếp thế hệ đi trước.
Với vai trò là Người có uy tín trong đồng bào DTTS, nhiều năm nay, chị Bàn Mùi Khe (dân tộc Dao, sinh năm 1987) được người dân buôn Đại Thành, xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk bầu chọn là Người có uy tín, cũng là Người có uy tín trẻ tuổi nhất vùng.
Mặc dù trẻ tuổi nhưng những đóng góp của nữ Người có uy tín này không hề nhỏ, đặc biệt trong việc tuyên truyền vận động người dân trong buôn thay đổi nhận thức, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu.
Trước thực trạng Đại Thành là buôn đứng đầu của huyện về tình trạng tảo hôn, chị Khe đã cùng cán bộ đẩy mạnh tuyên truyền không tảo hôn, đồng thời kiểm tra gắt gao việc đăng ký kết hôn, xử lý, lập biên bản những cặp đôi chuẩn bị cưới mà chưa đủ tuổi. Bản thân chị cũng luôn gần gũi tìm hiểu về cuộc sống của bà con, nên khi phát hiện trong buôn chuẩn bị có đám cưới tảo hôn, chị đã thông tin lại cho cán bộ xã, phối hợp cùng tham gia vận động, can thiệp kịp thời.
Cũng nhờ vậy, đến nay, buôn Đại Thành giảm hẳn tình trạng tảo hôn, người lớn không còn ép cưới, lớp trẻ ham học hơn, không còn muốn lập gia đình sớm, người sinh con thứ 3 gần như không còn nữa.
Không chỉ làm tốt chức trách của một cán bộ buôn, chị Khe còn là người đi đầu trong phát triển kinh tế. Chị là người tiên phong chuyển đổi 2 ha đất trồng bắp, mì sang trồng cà phê, đem lại thu nhập ổn định. Cũng từ kinh nghiệm đi đầu, chị tận tình chia sẻ lại cho người dân trong buôn. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, từ một buôn không có cây công nghiệp, buôn Đại Thành đã có cả trăm héc-ta cà phê, đời sống kinh tế của bà con dân tộc Dao trong buôn cải thiện rõ rệt.
Với những nỗ lực, đóng góp của mình, chị Bàn Mùi Khe nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương từ cấp cơ sở đến Trung ương trao tặng. Đặc biệt là có được sự tín nhiệm, tin tưởng của bà con trong buôn vào một người phụ nữ trẻ tuổi, đang ngày ngày cần mẫn cống hiến cho bản làng.
Bà Ngân Thị Hà, chị Bàn Mùi Khe là những điển hình cho người phụ nữ vùng cao, dù ở độ tuổi nào, cũng đang phấn đấu, phát huy tốt vai trò mà nhân dân tin tưởng, là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, đóng góp chung vào sự thay đổi tích cực của các bản làng vùng cao.