Cuộc sống giản đơn như đã có từ nghìn nămCác vùng đồng cỏ ở sa mạc Gobi là nơi có dân cư thưa thớt nhất ở Mông Cổ, mật độ dân số khoảng 1 người/2km2. Người du mục Mông Cổ vẫn duy trì cách sống giản đơn như ngàn năm trước. Mỗi năm, họ di chuyển chỗ ở nhiều lần khi thời tiết thay đổi... Họ đã thích nghi tốt với những điều kiện sống khắc nghiệt và xem những vùng đất cằn cỗi hoang vắng của sa mạc Gobi là nhà.
Cuộc sống của người du mục ngày nay có sự hòa lẫn giữa truyền thống và hiện đại. Nhà truyền thống của người Mông Cổ là lều để có thể dễ dàng dựng lên hay hạ xuống chỉ trong vài giờ. Chúng có hình tròn, được làm bằng những khung cây nhẹ, phía ngoài phủ bằng những tấm nỉ lông cừu, da thú hoặc vải bạt rất dày. Mái nhà được nâng đỡ bằng những cây cột trang trí tỉ mỉ. Trên mái có khoảng trống hình tròn để ánh sáng và không khí trong lành dễ dàng vào trong lều.
Các gia đình trong họ hàng thường dựng lều gần nhau để mọi người có thể viếng thăm nhau hằng ngày và dễ dàng giúp đỡ nhau trong sinh hoạt hay di chuyển các đàn gia súc. Lều được trang bị nhiều thiết bị hiện đại chẳng hạn như TV, xe máy và cả pin năng lượng mặt trời.
Cửa vào lều nằm phía Bắc rất đặc biệt, chỉ dành cho những người lớn tuổi và khách quý. Phần lều phía Bắc là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và rất nhiều bức ảnh gia đình. Giường ngủ được bố trí vòng theo vách lều. Bếp được đặt ở giữa lều dùng cho việc nấu nướng và giữ ấm.
Những nguy cơ trước ngưỡng cửa phát triểnSuốt hàng nghìn năm qua, văn hóa của người Mông Cổ là văn hóa du mục. Điều kiện thời tiết vô cũng khắc nghiệt khiến phần lớn người dân phải sống dựa vào đàn gia súc chăn thả cũng như cuộc sống du canh du cư. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ ở Mông Cổ đang đẩy cuộc sống này tới bờ vực của sự biến mất.
Khi phần lớn thế giới đẩy mạnh các hoạt động khai thác khoáng sản, Mông Cổ dường như chẳng mấy thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi nhận ra tiềm năng cực lớn của vùng đất này, những rào cản về mặt địa lý nhanh chóng được vượt qua. Vùng đất khô cằn, hẻo lánh chuyển mình trở thành điểm đến tiềm năng.
Phần lớn khoáng sản được Mông Cổ đào lên và bán. Trong vài năm tới, 95% lượng hàng hóa xuất khẩu của Mông Cổ sẽ là khoáng sản. Các nhà thăm dò địa chất phát hiện ra trữ lượng lớn đồng, than đá, vàng, bạc, uranium… cực lớn ở Mông Cổ. Hàng nghìn giấy phép khai thác khoáng sản đã được chính phủ cấp cho các công ty trong và ngoài nước.
Với dân số 3 triệu người, chủ yếu sống nhờ chăn thả gia súc, Mông Cổ đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành Qatar hay Brunei thứ 2 nhờ lượng tài nguyên khổng lồ. Phần lớn người trẻ ở Mông Cổ đang cố tìm cho mình một con đường mưu sinh khác thay vì rong ruổi trên sa mạc khô cằn cùng đàn gia súc với mức thu nhập chẳng đáng kể.
Tốc độ phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng thu hút hàng nghìn nông dân từ các thảo nguyên chạy trốn mùa đông giá rét ở nông thôn. Họ đến và sống ở ngoại ô thành phố trong các khu ổ chuột đông đúc. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng, điện nước thiếu thốn. Thậm chí những người thiếu may mắn phải chấp nhận qua đêm ở gầm cầu và cống thoát nước. Tuy đời sống khó khăn nhưng làm việc tại các khu mỏ có thể mang lại khoản tiền tới 2.000 USD/tháng... trong khi cuộc sống du canh du cư bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu.
Những năm gần đây, chính phủ Mông Cổ và các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cuộc sống du mục. Người dân được cung cấp cỏ khô trong mùa đông, hỗ trợ vật nuôi nếu gia súc bị chết vì thời tiết khắc nghiệt, mở các chương trình giáo dục cho trẻ em ở xa thành phố... Không chỉ nhằm duy trì truyền thống của người Mông Cổ, các biện pháp này còn tránh cho Thủ đô Ulaanbaatar bị quá tải.
NGUYỄN LÊ