Giảm ô nhiễm từ bể thu gom rác thải nông nghiệp
Tháng 3, là thời điểm nông dân Đăk Lăk tập trung chăm sóc cây trồng. Do các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng nhiều nên vỏ bao bì, chai lọ vứt tràn lan các đường mương nước, bờ ruộng.
Lom khom nhặt từng vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng hết, ông Huỳnh Xanh ở thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar chia sẻ: Các loại vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật này rất độc hại có thể làm ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước.
"Trước đây, theo thói quen bà con tiện đâu vứt đó, vỏ chai lọ này tràn lan khắp cánh đồng hoặc gom lẫn với các loại rác thải sinh hoạt. Cũng may, thanh niên xã đã xây dựng hàng loạt bể thu gom rác đặt ở đường chính ra cánh đồng, rẫy rất thuận tiện. Các cháu còn giới thiệu, tuyên truyền để người dân biết phân loại và để rác vào bể", ông Xanh chia sẻ
Theo ông Xanh, từ khi có bể thu gom rác, người dân dần thay đổi thói quen. Mỗi khi dùng xong, người dân đã phân loại các loại vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật rồi bỏ vào bể chứa rác.
Được biết, từ năm 2017 đến nay, xã Quảng Tiến xây dựng được 9 bể thu gom rác thải nông nghiệp, đặt tại tất cả các thôn của xã. Hằng năm, Đoàn thanh niên xã triển khai ra quân từ 2 - 3 đợt thu gom rác tại các bể chứa đưa đi xử lý, tiêu hủy.
Thời gian đầu người dân trong xã không hiểu, còn bỏ rất nhiều rác tạp vào bể, các thanh niên phải chia nhau dọn dẹp và phân loại. Đoàn thanh niên xã đã liên tục tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân chỉ bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chai lọ thuốc đã qua sử dụng vào bể. Lâu dần người dân cũng quen, hình thành nề nếp vứt rác thải nông nghiệp vào bể, đoàn viên thanh niên cũng đỡ vất vả hơn.
Theo anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư Mgar, hiện toàn huyện có 80 bể thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ở các xã, thị trấn. Mô hình đã phát huy hiệu quả tốt, khi lượng lớn các loại rác thải độc hại được thu gom và xử lý đúng cách.
Đặc biệt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên rõ rệt. Sắp tới Huyện đoàn sẽ kêu gọi, phối hợp với các ban, ngành để tiếp tục xây dựng các cái bể thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời sẽ xây dựng thêm hố thu gom rác thải tự hủy.
Những căn nhà Nhân ái của đoàn viên
Cũng hướng về cộng đồng bằng những hành động thiết thực, việc làm ý nghĩa, gần 8 năm qua, các đoàn viên, học sinh trên địa bàn huyện Krông Pắk, đã xây dựng hàng chục căn nhà nhân ái cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đầu tháng 3 vừa qua, Huyện đoàn đã khởi công nhà nhân ái từ quỹ 1.000 đồng, với số tiền 25 triệu đồng trích từ quỹ, và 40 triệu đồng từ các đơn vị tài trợ, tặng gia đình cháu Y Duy Niê học sinh lớp 4, trường Tiểu học Ngô Gia Tự, xã Tân Tiến.
Không dấu được niềm vui, anh Y Đút Êban, bố của Y Duy chia sẻ: Cả gia đình 5 người sống trong căn chòi vách nứa, mái tôn lụp sụp chừng 10m2 chỉ đủ che mưa tránh nắng. Ruộng rẫy ít, con cái lớn lên đi học, cuộc sống càng khó khăn nên mấy năm nay, vợ chồng đi làm thuê ở xa, gửi con cho bà ngoại trông nom, thỉnh thoảng mới về.
“Kinh tế khó khăn, đi làm thuê chỉ đủ trang trải cuộc sống và nuôi 3 người con ăn học, không dám nghĩ đến việc sẽ xây căn nhà kiên cố. Nay được hỗ trợ làm nhà thế này, gia đình rất mừng, có nhà ở, vợ chồng yên tâm lao động phát triển kinh tế”, anh Y Đút Êban xúc động nói.
Anh Võ Quốc Việt, Bí thư đoàn xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk cho biết: Chương trình Nhà Nhân ái 1.000 đồng, đã hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.Trong quá trình triển khai xây dựng đoàn viên thành niên còn tham gia trợ giúp dỡ nhà, đào móng, đắp nền…
Theo báo cáo của Huyện đoàn Krông Pắk, Chương trình “Nhà nhân ái – Ngôi nhà 1.000 đồng”, do Huyện đoàn Krông Pắk triển khai từ năm 2013. Theo đó, Huyện đoàn vận động quyên góp trong đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn huyện, hằng năm mỗi người đóng góp từ 2.000 đồng/năm, để hỗ trợ xây được 2 ngôi nhà cho đối tượng chính sách, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở (tương ứng mỗi người góp 1.000 đồng để xây 1 căn nhà).
Cùng với hỗ trợ tiền, đoàn viên thanh niên địa phương sẽ tìm kiếm thêm nguồn lực tài trợ; hoặc hỗ trợ về ngày công, giúp gia đình tính toán, thiết kế nhà phù hợp. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ xây dựng nhà cho 12 gia đình học sinh nghèo.
Anh Nguyễn Văn Hà, Bí thư Huyện đoàn Krông Pắk cho hay: Ngoài số tiền hỗ trợ 25 triệu đồng trích từ quỹ, các cấp bộ đoàn sẽ huy động thêm nguồn lực từ nhà tài trợ, giúp đỡ ngày công, đảm bảo mỗi căn nhà có giá trị ít nhất 50 triệu đồng.
“Giá trị không dừng lại ở căn nhà mà ý nghĩa sâu sắc nữa là giáo dục tính tiết kiệm, tình yêu thương, quan tâm chia sẻ với cộng đồng, góp phần lan tỏa tinh thần sẻ chia, đoàn kết trong thế hệ trẻ”, anh Hà chia sẻ.