Theo Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh (đơn vị đại diện chủ đầu tư), sau 2 năm triển khai Dự án LRAMP, trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định đã có 6 cầu dân sinh tại các vùng đồng bào DTTS được xây dựng là cầu: Suối Cát (Tây Sơn), Nhơn Sơn, Phú Trị (xã Ân Nghĩa, Hoài Ân); Cây Sung 1, Cây Sung 2 (xã Tây Xuân, Tây Sơn); cầu O2 (xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh). Tổng vốn đầu tư các công trình cầu gần 20 tỷ đồng, do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Dù chỉ cách một dòng sông nhưng từ bao đời nay, người dân các xã Tây Thuận, Tây Giang, Bình Tường của huyện Tây Sơn đi lại hết sức khó khăn, đối mặt với bao hiểm nguy trên cây cầu tạm làm bằng tre bắc qua sông Côn. Cách đây hơn một tháng, niềm vui lớn đã đến với người dân khi cây cầu Suối Cát bắc qua nhánh sông Côn khánh thành. Niềm vui đó thể hiện trong những câu chuyện bà con nói với nhau, họ rành rẽ từng thông số kỹ thuật của cây cầu: dài 72m, rộng 4m, giá trị xây lắp hơn 4,3 tỷ đồng, do
Ngân hàng Thế giới tài trợ...
Ông Trần Văn Vinh, một người dân thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, hồ hởi: Lâu nay, người dân địa phương hết sức khổ sở mỗi khi qua lại nhánh sông Côn này vì cầu cũ ọp ẹp, tạm bợ. Cứ đến mùa mưa lũ, cầu tạm lại trôi theo dòng lũ, giao thông tắc nghẽn, khó khăn trăm bề. Nay có cây cầu bê tông cốt thép chắc chắn, có lan can hai bên an toàn, bà con địa phương ai nấy đều phấn khởi. Có cầu kiên cố, giao thương thuận lợi quanh năm, chắc chắn đời sống của người dân sẽ khởi sắc nhiều.
Còn ông Nguyễn Văn Tư (72 tuổi) ở thôn Trung Sơn, thổ lộ: Dân kiến nghị đã nhiều năm, huyện, tỉnh về đều ghi nhận cả, nhưng nghe nói tốn tiền nhiều quá. Thế rồi, giữa năm ngoái, khi các kỹ sư, công nhân về xây cầu, thật là tôi mừng quá, cứ ra chỗ công trường ngắm nghía hoài. Đến bây giờ thì ước mơ đã thành sự thật. Có cầu Suối Cát kiên cố như vầy, việc vận chuyển nông sản trong thôn lên trung tâm xã và các chợ được thuận lợi, nhất là vào mùa mưa lũ.
Người dân làng O2, xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) những ngày này cũng vui mừng vì có cây cầu treo dẫn vào làng. Ông Đinh Khư, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Kim chia sẻ: Làng O2 có gần 50 hộ dân là đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống Vì không có đường đi nên người dân trong làng gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, đời sống rất khó khăn. Nay có cây cầu treo, việc đi lại sẽ dễ dàng hơn, ai cũng vui mừng.
Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đánh giá: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình cầu dân sinh, LRAMP là một dự án giao thông quan trọng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đây được xem là một điều kiện quan trọng để giảm nghèo bền vững.
Nhờ tích cực triển khai dự án, sớm đưa các công trình cầu dân sinh thiết yếu vào khai thác đúng tiến độ, trong các đợt kiểm tra Dự án LRAMP tại Bình Định, đại diện nhà tài trợ, chủ đầu tư dự án đánh giá rất cao hiệu quả các công trình cầu dân sinh trên địa bàn trong việc tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế-xã hội. Từ những kết quả ấy, tỉnh Bình Định tiếp tục được chọn triển khai hợp phần 3 của dự án với 3 gói thầu, xây dựng mới 16 cầu, cống trong năm 2019, tổng vốn đầu tư hơn 78 tỷ đồng. Toàn bộ các công trình này đều đã khởi công và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Điều hành Dự án 2 thuộc Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh, thông tin: Các công trình cầu, cống thuộc Dự án LRAMP tuy có giá trị xây lắp không lớn, kỹ thuật thi công đơn giản nhưng đều nằm ở những vị trí hiểm trở, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống dân sinh ở vùng đồng bào DTTS. Do vậy, với vai trò đại diện chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh sẽ tập trung theo dõi, đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư sớm thi công hoàn thiện các công trình trước mùa mưa lũ.
Từ những cây cầu mới do World Bank tài trợ chắc chắn sẽ làm thay đổi diện mạo các vùng quê nghèo khó.
ĐẠT THÀNH NHÂN