Bệnh tan máu bẩm sinh2 anh em Âu Đình Khánh (10 tuổi) và Âu Thị Thùy Dương (5 tuổi) xóm Làng Chẽ, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đều mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia)-một chứng bệnh phải truyền máu, uống thuốc suốt đời và được xác định là hậu quả do hôn nhân cận huyết thống giữa bố và mẹ. Nghiêm trọng hơn, cả hai anh em Khánh, Dương đều bị biến chứng lách phù to phải lần lượt đi phẫu thuật cắt một phần lách.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam cho biết: Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh thiếu máu do tan máu. Hiện chưa có cách nào điều trị khỏi bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị suốt đời. Do đó, bệnh nhân Thalassemia là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Ước tính, Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu người mang gen bệnh, hơn 20.000 bệnh nhân cần điều trị. Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ sinh ra bị bệnh.
Còn theo ThS. BS Nguyễn Thị Thu Hà, Phụ trách đơn vị Thalassemia (Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương), tỷ lệ người bị bệnh Thalassemia thường rất cao ở vùng miền núi, DTTS do tỷ lệ kết hôn cận huyết tại các vùng này thường cao, chính vì vậy các yếu tố di truyền cũng cao hơn. Đây là bệnh di truyền nên nếu cha mẹ cùng mang một gen bệnh mỗi một lần sinh, con sẽ có 50% khả năng bị bệnh, 25% sẽ bị bệnh nặng.
Thalassemia là bệnh không thể chữa khỏi nhưng lại có thể phòng ngừa, GS. TS Nguyễn Anh Trí nhận định. Bởi vậy, việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho giới trẻ là giải pháp hữu hiệu để giảm số lượng trẻ sinh ra mang gen bệnh, tiến tới một cộng đồng không còn người mang bệnh.
Hai chị em ở Lai Châu có 2 bộ phận sinh dụcHai chị em gái (9 tuổi) và (7 tuổi) quê ở bản Nà Hum, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đều có 2 bộ phận sinh dục nam và nữ. Khi mới sinh, bộ phận sinh dục nam của hai bé chỉ như một khối thịt thừa nhưng càng lớn nhìn rõ nét là bộ phận sinh dục nam.
Hiện nay, 2 bé gái đang được theo dõi tại khoa Phẫu thuật Nhi và sơ sinh, bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa cho rằng: “Nguyên nhân mắc hội chứng của hai bệnh nhi này tôi nghĩ nhiều tới yếu tố hôn nhân cận huyết. Vì bà nội và bà ngoại của cháu là hai chị em ruột”.
7 tuổi nhưng chỉ nặng 3,5kgĐó là trường hợp của Đinh Văn Rể, thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Rể bị sinh non, chỉ nặng 600gram. Khi lên 7 tuổi, Rể cũng chỉ được 3,5kg, cao 50cm, không biết nói. Các bác sĩ tỉnh Quảng Ngãi nhận định, Rể bị thiếu hormone tăng trưởng ở tuyến yên hoặc bị rối loạn nhiễm sắc thể. Nguyên nhân là bởi cậu bé bị ảnh hưởng do hôn nhân cận huyết vì ông nội và ông ngoại của em là 2 anh em cùng huyết thống.
Mắc những căn bệnh lạ rồi qua đờiHai vợ chồng anh Cao Xuân Tường và chị Cao Thị Kèm người Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình vốn là anh em con cô, con cậu nhưng nhất quyết lấy nhau. Hai vợ chồng chị lần lượt sinh được 7 đứa con, nhưng hiện tại chỉ còn được một đứa. Những đứa con của anh chị sinh ra đều yếu ớt, chỉ nuôi được chưa đầy năm đều mắc phải các căn bệnh lạ rồi qua đời.
HIẾU ANH