Sự sống hồi sinh
Cách đây 4 năm, trận lũ lịch sử đã ập đến tàn phá bản làng, cướp đi nhiều sinh mạng, biến những bản Poọng (xã Tam Chung), bản Qua (xã Quang Chiểu), bản Na Chừa (xã Mường Chanh)… trở thành đống hoang tàn.
Thiên tai có thể cướp đi tính mạng và của cải, nhưng không thể cướp đi tinh thần quật cường và khát vọng vươn lên của chính quyền và mỗi người dân nơi đây. Những ngày khó khăn cũng qua đi, nhờ sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, người dân Mường Lát đã được hồi sinh.
Mới đây, có dịp trở lại bản Qua, xã Quang Chiểu, không phải là những cánh đồng lúa bị sỏi đá chôn vùi, những ngôi nhà đổ nát như năm nào mà một diện mạo mới đầy sức sống đang hiện hữu với những ruộng lúa xanh mướt, những ngôi nhà kiên cố, khang trang ở khu tái định cư do Nhà nước đầu tư xây dựng.
Bên chén trà ấm, Trưởng bản Vi Văn Thiến nhớ lại, sau trận lũ quét năm đó, bản quay về vạch xuất phát, không nhà cửa, màn trời chiếu đất, miếng ăn hàng ngày cũng chỉ chờ gạo cứu trợ. Dân vốn đã nghèo nay lại càng nghèo. Song, Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ nhà ở, xây dựng khu tái định cư mới cho các hộ dân, từ đó các hộ được an cư lạc nghiệp.
Không thể cứ ngồi đó mà trông chờ Nhà nước, cán bộ bản đã họp dân lại, quyết tâm vực dậy cuộc sống. Cùng với các đoàn thể, ban quản lý bản đã tuyên truyền, vận động bà con tham gia thi đua lao động sản xuất. Ruộng nương bị tàn phá thì khắc phục, xây đắp trở lại, con vật nuôi chết thì tìm giống mới.
Nhờ các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền vận động thường xuyên, bà con đã thay đổi tư duy bắt tay vào lao động, phát triển kinh tế. Qua thời gian, chủ động triển khai các mô hình kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi phù hợp như nuôi bò lai sin, vịt cổ rụt, trồng rừng kinh tế; xây dựng các mô hình trang trại, gia trại..., từ đó không ít hộ trở nên khá giả.
Ông Lò Văn Heo, bản Qua, chia sẻ: “Nhờ các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất mà gia đình tôi cũng như bà con trong bản được cho giống mới, hỗ trợ kỹ thuật nên trồng được 2 vụ lúa trong năm, thu được 3 tạ lúa/sào. Gia đình cũng vay vốn, nuôi được 10 con bò chăn thả tự nhiên, nuôi lợn, nuôi dê".
Hướng tới mục tiêu lớn
"Mọi thứ phải cố gắng thì mới thành công được, vậy là bản Qua dần được hồi sinh. Giờ đây, nhiều nhà lại có cuộc sống khá hơn trước, mua được xe máy, tivi, tủ lạnh, máy xay xát lúa. Mỗi mùa mưa bão đến chúng tôi cũng không còn nơm nớp lo sợ nữa…”, Trưởng bản Vi Văn Thiến chia sẻ.
Không chỉ hồi sinh một vùng đất chết, bản Qua còn nỗ lực để về đích nông thôn mới. Sau 3 năm nỗ lực, bản Qua đã hoàn thành 12/14 tiêu chí của NTM. Đường trong bản được bê tông hóa kiên cố, sạch đẹp; hộ dân nào cũng có công trình vệ sinh đạt chuẩn; tỷ lệ học sinh bỏ học không còn; điện chiếu sáng 100%, đời sống Nhân dân được nâng cao; an ninh - trật tự ổn định…Hiện nay bản có 53 hộ với 257 nhân khẩu, chỉ còn 1 hộ nghèo, không còn hộ đói.
Trưởng bản Vi Văn Thiến phấn khởi nói, thời gian tới, đường vào bản sẽ được bê tông hóa, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng được xây dựng. Ngày bản Qua về đích nông thôn mới sẽ không còn xa.
Tại bản Poọng, nơi có 99% dân số là người Thái, cũng là nơi từng bị lũ xóa sổ, giờ đây cũng trở thành một bản khang trang nhất xã. Chính quyền địa phương đã bố trí khu tái định cư, với diện tích khoảng 3ha xây dựng nhà cửa kiên cố cho 66 hộ dân.
Đường giao thông vào bản được bê tông hóa, hàng chục ngôi nhà mới san sát nhau, phía trước là những ngọn núi bao bọc tạo thành cảnh quan hùng vĩ.
Ở bản còn có khu trường học mới cho các em nhỏ đến trường. Anh Lò Quốc Tính, Trưởng bản Poọng cho biết: Toàn bản có 89 hộ dân, trận lũ làm 55 hộ dân mất nhà cửa. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, giờ đây cuộc sống Nhân dân đang từng ngày ổn định”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết, sau thiên tai, toàn bộ hệ thống chính trị của huyện, cùng với Nhân dân đã chung tay tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả, tái thiết các bản làng bị thiệt hại. Chính quyền đã hỗ trợ nhà cửa, giống cây trồng, vật nuôi để bà con sản xuất. Hiện nay, cuộc sống của các hộ dân cơ bản đã ổn định, các bản đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu nông thôn mới.