Tiên phong, nêu gương trên các lĩnh vực
Những năm qua, Người có uy tín đã có nhiều đóng góp trong việc vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Điển hình như ông Quách Văn Lưu, dân tộc Mường, thôn 6, xã Xuân Du; bác Hà Kim Thoa, dân tộc Thái, thôn 7, xã Cán Khê; ông Quách Long Nhân, dân tộc Mường, thôn Đồng Tiến, xã Mậu Lâm đã vận động Nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hoá thôn, hiến đất làm đường,…
Đặc biệt, những năm gần đây, đã xuất hiện những phụ nữ là Người có uy tín làm tốt vai trò lãnh đạo thôn bản, như: bà Quách Thị Ngân, sinh năm 1966, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Quốc, xã Xuân Phúc.
Năm 2022 thôn Đồng Quốc được chọn là thôn làm điểm để năm 2023 về đích thôn kiểu mẫu, bà Ngân đã cùng Chi ủy thôn lãnh đạo Chi bộ bám sát kế hoạch, triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, nội dung xây dựng thôn kiểu mẫu. Trong đó, bà Ngân đã cùng với đảng viên tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân giải phóng hành lang các tuyến đường giao thông, vận động 15 hộ hiến đất, hiến cây để làm tuyến đường Yên Thọ - Xuân Phúc với trên 5.000m2 đất vườn, đất lâm nghiệp. Tổng diện tích đất người dân đã hiến là gần 5.400m2, ước trị giá hơn 3 tỷ 200 triệu đồng. Đến nay, thôn đã hoàn thành 12/15 tiêu chí NTM kiểu mẫu, còn lại 3 tiêu chí thôn đang tiếp tục hoàn thiện.
Trong lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự có ông Quách Văn Nguyễn thôn Thung Khế, xã Phú Nhuận; ông Bùi Văn Xuyến, khu phố Xuân Lai, thị trấn Bến Sung. Các ông luôn sát sao nắm bắt tình hình trong thôn, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ trong thôn chấp hành tốt an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư: giải quyết tranh chấp đất đai, vận động các hộ tham gia làm căn cước công dân gắn chíp, giao nộp các vũ khí, pháo nổ trái phép trong dịp tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc...
Hay như ông Lục Văn Thành 67 tuổi, Người có uy tín thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long. Ông là điển hình trong vận động Nhân dân trong thôn xây dựng NTM; NTM kiểu mẫu hiệu quả; đồng thời “dẫn dắt” xây dựng dòng họ Lục kiểu mẫu về an ninh trật tự. Khi còn là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận (nhiệm kỳ 2020-2022), ông đã cùng Ban phát triển thôn vận động Nhân dân trong thực hiện tự nguyện đóng góp được: 2.500.000.000 đồng (Hai tỷ năm trăm triệu đồng) để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội của thôn.
Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tích cực, gương mẫu tham gia các hoạt động ở thôn. Cụ thể, ông trực tiếp hoà giải thành công 6 vụ việc liên quan đến trật tự trong thôn. Trong quá trình vận động được các hộ chung tay thực hiện tiêu chí NTM kiểu mẫu, trong thôn còn 10 hộ khó khăn không tham gia. Để thuyết phục các hộ, ông vận động, phân tích cho các hộ thấy được cái lợi khi xây dựng NTM kiểu mẫu, ông còn bỏ tiền cá nhân giúp đỡ hộ cận nghèo và trực tiếp xuống tận nhà giúp họ chỉnh trang nhà cửa, sân, vườn; xây dựng cổng ngõ, tường rào, với tổng số tiền trị giá trên 382.000.000 đồng. Ngoài ra, ông còn vận động được 15 hộ hiến đất mở rộng đường, xây dựng đường điện thắp sáng công cộng với trị giá trên 500 triệu đồng.
Đội ngũ Người có uy tín của huyện Như Thanh còn thể hiện vai trò nêu gương và vận động đồng bào xóa bỏ những tập tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc. Nhờ đó, nhiều phong tục, tập quán được duy trì, như Lễ tục Kin chiêng boọc mạy của người Thái ở xã Xuân Phúc (đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia); Lễ hội Sết boóc mạy của dân tộc Thái ở xã Xuân Thọ; Lễ hội cơm mới của dân tộc Mường ở xã Phượng Nghi.
Góp phần xây dựng phát triển cơ sở
Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh chia sẻ: Với đặc thù địa bàn huyện miền núi, địa hình rộng, giao thông đi lại còn khó khăn; đồng bào DTTS chiếm 43,32% dân số, sinh sống ở nhiều thôn bản vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế, văn hoá, trình độ dân trí vẫn còn nhiều hạn chế...Do đó, cùng với việc ưu tiên dành nguồn lực từ các chương trình chính sách dân tộc; các Chương trình MTQG đầu tư hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào DTTS nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và từng bước nâng cao đời sống của đồng bào DTTS…, huyện rất quan tâm phát huy vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ Người có uy tín.
Phó Chủ tịch Lê Thị Hoa nhấn mạnh: Trên địa bàn huyện hiện có 104 Người có uy tín và rất nhiều các nhân sĩ trí thức, trưởng dòng họ và doanh nhân DTTS trên các lĩnh vực. Họ được ví như là cánh tay nối dài của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Bằng những hành động, việc làm thiết thực và luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động…, đội ngũ này đang có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM ở mỗi lĩnh vực, mỗi thôn, bản. Nhờ đó, huyện Như Thanh có 9 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt NTM nâng cao, 71 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và 17 thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS năm 2021 còn hơn 1021 hộ, chiếm 11,41% số hộ DTTS, đến nay đã giảm xuống còn 6,8%. Hiện nay, Như Thanh còn 2 xã và 27 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch huyện Lê Thị Hoa, để phát huy vai trò của Người có uy tín, ngoài việc quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với Người có uy tín, huyện đã quán triệt các xã, thị trấn tổ chức bầu chọn Người có uy tín đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Đồng thời, khuyến khích Người có uy tín tham gia các tổ chức chính trị xã hội đoàn thể và các tổ hòa giải của cơ sở; phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tuyên truyền vận động cho Người có uy tín.