Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2024 các phương thức xét tuyển vẫn cơ bản giữ ổn định. Trong đó, mỗi trường đại học với đặc thù đào tạo của mình có thể điều chỉnh phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh.
Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, phải làm rõ được căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn của việc sử dụng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và các chỉ tiêu phân bổ.
Trường Đại học Giao thông Vận tải vừa thông tin tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2024 với tổng số 6.000 chỉ tiêu (tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2023). Trong đó, tại cơ sở chính ở Hà Nội là 4.500 chỉ tiêu, tại Phân hiệu TPHCM là 1.500 chỉ tiêu. Trường sẽ xét tuyển theo 4 phương thức:
Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế.
Phương thức 2: Xét tuyển học bạ
Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội và xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu TPHCM.
Phương thức 4: Xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) và tổng điểm học bạ THPT 2 môn học (môn Toán và 1 môn không phải Ngoại ngữ) trong tổ hợp xét tuyển cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 15 điểm trở lên, áp dụng với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội.
Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh năm 2024 là 4.130 chỉ tiêu cho cả trụ sở chính và hai cơ sở TP.HCM, Quảng Ninh, cao hơn năm 2023 là 30 chỉ tiêu.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, năm 2024 trường dự kiến tuyển 7.650 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước trong đó có chỉ tiêu của ngành mới mở là an toàn thông tin.
Trường sử dụng 6 phương thức tuyển sinh, tương tự năm ngoái, trong đó dành 65% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế (8%); xét học bạ THPT (15%); xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (6%) và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (6%).
Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết năm 2024 sẽ tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực (từ tháng 3 đến tháng 6), ít hơn 2 đợt so với năm 2023.
Năm 2024, kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được tổ chức tại 10 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (tăng 3 tỉnh so với năm 2023). Quy mô dự kiến tổ chức cho khoảng 75.000 lượt thí sinh dự thi. Thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố Kỳ thi đánh giá tư duy 2024 sẽ diễn ra trong 6 đợt, thời gian diễn ra từ đầu tháng 12/2023 đến giữa tháng 6/2024. Địa điểm thi diễn ra tại các tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng…
Trường Đại học Phenikaa cho biết, năm 2024, nhà trường tuyển 9.896 chỉ tiêu, tăng 2.228 chỉ tiêu so với năm 2023. Trường Đại học Phenikaa sẽ xét tuyển theo 4 phương thức:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa: 5 - 10% tổng chỉ tiêu;
Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: 40 - 60% tổng chỉ tiêu;
Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào học bạ THPT: 30 - 40% tổng chỉ tiêu;
Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội: 5 - 10% tổng chỉ tiêu.
Trường cũng lưu ý, trong quá trình triển khai, Nhà trường sẽ xem xét và điều chỉnh linh động tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức cho phù hợp với tình hình thực tế.
Hội đồng tuyển sinh Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa công bố về việc tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024 với dự kiến tăng 10% chỉ tiêu so với năm ngoái lên hơn 3.900 sinh viên. Năm 2024 trường giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển, gồm:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh đại học chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả của chương trình đào tạo THPT quốc tế, áp dụng cho thí sinh người Việt Nam học trường nước ngoài tại Việt Nam hay tại nước ngoài.
Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập bậc THPT áp dụng cho thí sinh người Việt Nam.
Hội đồng tuyển sinh Trường đại học Công Thương TP.HCM vừa công bố về việc tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024 với dự kiến tăng 2.000 chỉ tiêu so với năm ngoái, lên 7.000 sinh viên. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tốt nghiệp THPT. Trường tuyển sinh theo 4 phương thức xét tuyển sau:
Phương thức 1: Sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo các tổ hợp môn xét tuyển từng ngành học (khoảng 60% chỉ tiêu).
Phương thức 2: Sử dụng kết quả học tập THPT của năm lớp 10, năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12 (khoảng 30% chỉ tiêu).
Phương thức 3: Sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2024 (khoảng 5% chỉ tiêu).
Phương thức 4: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án (khoảng 5% chỉ tiêu).
Trường Đại học Hoa Sen dự kiến năm 2024, tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu đối với 33 chương trình đào tạo bậc đại học theo 4 phương thức xét tuyển, trong đó 60% chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT. Năm nay nhà trường tuyển sinh thêm 4 ngành học mới.