Chị Triệu Thị Nguyệt, dân tộc Dao, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang:
Trước khi có cuộc điều tra thực trạng KT-XH của 53 DTTS, chúng tôi đã được cán bộ xã, thôn tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra. Do được tuyên truyền, hướng dẫn từ trước, nên khi cán bộ đến điều tra thông tin KT-XH, tôi đã cung cấp đầy đủ theo yêu cầu.
Tôi mong rằng, những thông tin được cung cấp là cơ sở để Đảng, Nhà nước đưa ra các chủ trương, chính sách sát thực với nhu cầu của đồng bào DTTS. Cá nhân tôi mong muốn, Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư xây cầu, làm đường giao thông nông thôn để bà con đi lại, giao thương hàng hóa được thuận tiện. Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo, chất lượng đội ngũ cán bộ y tế thôn bản để đảm bảo an sinh xã hội.
Chị Giàng Mu Mạ, dân tộc Xa Phó thôn Nậm Sản, xã Nậm Sài, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai:
Xã của tôi là xã vùng III, nên đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Người dân cũng rất hạn chế trong việc tiếp cận thông tin. Hiện nay, tôi đang là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Sài. Vì vậy, thông qua cuộc điều tra này, bản thân tôi mong muốn có thêm nhiều thông tin về vùng đồng bào DTTS nói chung và thông tin về người dân tộc Xa Phó nói riêng.
Những ngày qua, tôi cũng tích cực phối hợp cùng cán bộ các cấp tham gia cuộc điều tra KT-XH của 53 DTTS. Tôi cũng mong rằng, thông qua các thông tin mà cuộc điều tra mang lại sẽ giúp cho ngành công tác DTTS có cái nhìn toàn diện để tham mưu, xây dựng chính sách dân tộc phù hợp. Nhất là với những vùng ĐBKK như chúng tôi hiện nay.
Hoà thượng Danh Lân, dân tộc Khmer, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang:
Chúng tôi thấy, cuộc điều tra về KT-XH của 53 DTTS lần này rất có ý nghĩa. Đối với các chùa, qua cuộc điều tra sẽ giúp cho các chùa biết thêm được những số liệu, thông tin quý giá về đồng bào DTTS, đặc biệt là dân tộc Khmer. Ví như số lượng người biết chữ là bao nhiêu; đời sống kinh tế thế nào; tỷ lệ người dân biết những điệu múa truyền thống... Qua đó, các chùa có thể xây dựng được các hoạt động cho phù hợp với đạo pháp và dân tộc.
Chúng tôi mong muốn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS, trong đó có vùng đồng bào Khmer. Sư tin tưởng rằng, sau khi thu thập thông tin sẽ có những con số cụ thể về tình hình sản xuất của mỗi hộ gia đình để Nhà nước có chính sách đúng, đủ cho đồng bào thoát nghèo bền vững. Khi có cơm no, áo đẹp đồng bào tự hào về dân tộc mình, về đất nước mình quyết tâm xây dựng phum sóc, một lòng theo Đảng, tôn kính Bác Hồ, giữ gìn tôn giáo truyền thống của mình.