Bát Xát là huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, địa hình chia cắt, nhiều đồi núi, thôn bản nằm cách xa nhau nên gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động thu, phát sóng phát thanh. Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2019, Bát Xát triển khai lắp đặt hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh IP), trên nền tảng Internet để truyền tín hiệu từ trung tâm tới 21 xã, thị trấn và phát lại ở các cụm loa thôn, bản. Sau thời gian triển khai, hệ thống truyền thanh mới đã nhận được sự đánh giá tích cực của người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng cao, vùng xa.
“Nghe loa truyền thanh bây giờ đã trở thành thói quen của tôi và bà con trong thôn vào mỗi buổi chiều. Những thông tin được phát thanh bằng tiếng Mông, Dao, Hà Nhì, giúp tôi và bà con dễ dàng nghe và hiểu hơn so với trước đây chỉ có tiếng phổ thông. Tín hiệu không bị chập chờn như trước, nên bà con đã được nghe rõ hơn chính sách mới ban hành và biết được nhiều mô hình kinh tế hay để học tập, làm theo…”, ông Ly Hờ Suy, xã Trịnh Tường cho biết.
Với mong muốn người dân ở đâu, thông tin đến ở đó, năm 2018, thị xã Sa Pa đã tiên phong triển khai hệ thống truyền thanh thông minh, sử dụng công nghệ IP 4.0 để truyền và nhận thông tin qua mạng Internet nhờ sóng 3G, 4G. Đây là giải pháp chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực truyền thanh cơ sở, đặc biệt đối với các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Ông Hoàng Đức Hợp,Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thị xã Sa Pa cho biết, thay vì thông qua sóng FM, truyền thanh IP nhờ sóng 3G, 4G không bị giới hạn về khoảng cách địa lý, dù địa bàn xa xôi, hẻo lánh, chỉ cần có sóng di động, có điện là thiết bị có thể vận hành được, tín hiệu đảm bảo đạt chất lượng cao.
Đến nay, thị xã Sa Pa có 6/16 xã, phường (gồm Fansipan, Sa Pả, Ô Quý Hồ, Trung Chải, Thanh Bình và Mường Hoa), đã ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông đối với hệ thống truyền thanh ở thôn bản. Qua triển khai, những tồn tại trong việc đưa thông tin về cơ sở được khắc phục, gia tăng hiệu quả công tác tuyên truyền.
“Truyền thanh IP không tốn kém chi phí để trang bị máy phát sóng, cột ăng-ten, quỹ đất để lắp đặt cột ăng-ten. Việc phát sóng chỉ bằng các thao tác vận hành đơn giản ở phần mềm được cài đặt trên máy vi tính, điện thoại di động sẽ giải quyết triệt để bài toán về cảnh quan đô thị và hiện đại hóa trong thực hiện các giải pháp của đô thị thông minh”, ông Hoàng Đức Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thị xã Sa Pa nhấn mạnh.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 7 đài truyền thanh, với 110 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Hệ thống thông tin cơ sở được quan tâm xây dựng, đầu tư từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực "giảm nghèo" về thông tin trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Đặc biệt, từ tháng 5/2022, các “Tổ công nghệ số cộng đồng” được thành lập, với mục tiêu mỗi thôn/tổ dân phố thành lập một Tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần đẩy mạnh việc đưa các nền tảng số, công nghệ số đến với người dân. Qua đó, giúp bà con tiếp cận môi trường số, sử dụng nền tảng số, công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội một cách thuận lợi nhất.
Tỉnh Lào Cai hiện có gần 1.600 Tổ công nghệ số cộng đồng, với trên 7.400 thành viên tham gia. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần "giảm nghèo" về thông tin.
Tính đến tháng 6/2023, tỉnh Lào Cai có gần 97% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, vượt gần 26% mục tiêu năm 2023. Gần 92% gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông, đạt 98,7% mục tiêu năm 2023.
Để góp phần nâng hiệu quả công tác truyền thông và "giảm nghèo" về thông tin, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai xác định tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm nguồn hỗ trợ, cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo bền vững, đồng thời từng bước tiếp cận, hòa nhịp chuyển đổi số.
Thời gian tới, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực dân cư thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mang lại giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp.