Chị Nông Thị Huệ (SN 1992), dân tộc Nùng, ở thôn Trại Nhì, xã Hồng Kỳ (huyện Yên Thế) làm nhân viên y tế tại Công ty Samsung Thái Nguyên. Sau hơn 4 năm làm việc, chị quyết định nghỉ việc, về quê khởi nghiệp.
Bắt tay vào thực hiện ý tưởng, trên diện tích 0,5ha đất vườn, chị Huệ trồng thử nghiệm gần 2.000 gốc xạ đen. Nhận thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, chị liên kết với 7 thanh niên khác trong huyện mở rộng diện tích, rồi thành lập HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú.
Được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn; Liên minh HTX tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên hỗ trợ vốn, HTX từng bước phát triển, hoạt động ổn định. “Với phương châm đi từng bước vững chắc, sau khi trà xạ đen túi lọc được nhiều khách hàng lựa chọn và có chỗ đứng trên thị trường, chúng tôi đã mở rộng thêm một số lĩnh vực sản xuất khác, như: Rượu men lá, chăn nuôi lợn… Ngay trong năm đầu thành lập, HTX đã đạt doanh thu gần 300 triệu đồng", chị Huệ cho biết.
Cũng khởi nghiệp như chị Huệ, chị Dương Thị Luyện, xã Ngọc Châu (huyện Tân Yên) đang là “tấm gương đi đầu” về trồng măng tre lục trúc.
Khi mất đi trang trại nuôi lợn do dịch bệnh gây thua lỗ nặng vào năm 2017, chị Luyện quyết định làm lại từ đầu, thành lập HTX khởi nghiệp với cây măng tre. Chưa đầy 2 năm sau, với diện tích 40ha, đã cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. HTX măng lục trúc Ngọc Châu của chị đã gây dựng được tên tuổi và uy tín trên thị trường, đồng thời tạo việc làm cho hàng chục người dân địa phương.
Là tỉnh có thuận lợi về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển, đa dạng các ngành nghề, giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm Bắc Giang có khoảng 60 HTX thành lập mới, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Đến tháng 8/2021, tỉnh Bắc Giang có 585 HTX nông nghiệp, tăng 322 HTX so với năm 2013, trung bình tăng khoảng 40 HTX/năm. Trong số đó, có 44 HTX đang tạm ngừng hoạt động. Về loại hình, có 322 HTX trồng trọt; 82 HTX chăn nuôi; 40 HTX thủy sản và 141 HTX tổng hợp.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn. Đáng chú ý, nòng cốt của các HTX mới khởi nghiệp không chỉ có thanh niên, mà còn có nhiều lứa tuổi tham gia. Điển hình như HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường, thôn Lửa Hồng, xã Tự Lạn (huyện Việt Yên) được thành lập trên cơ sở liên kết giữa 17 hộ sản xuất nông nghiệp trong thôn, đa phần xã viên đều ngoài 50 tuổi.
Khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có ở địa phương, phát triển kinh tế, từ các nguồn hỗ trợ, nhiều cá nhân, tập thể đã mạnh dạn khởi nghiệp, thành lập HTX để phát triển kinh tế, bước đầu đã có những thành công nhất định và tạo ra phong trào khởi nghiệp sôi nổi tại địa phương.
Thực tế, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, các ngành cũng đưa ra những ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức mạnh dạn khởi nghiệp. Điển hình như thông qua Chương trình tín dụng ưu đãi thanh niên Bắc Giang, hằng năm, UBND tỉnh dành 3 tỷ đồng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Tại các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền cũng định hướng khởi nghiệp phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021, từ các nguồn vốn, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 25 HTX (chủ yếu mới thành lập) vay vốn với tổng số tiền 8,3 tỷ đồng. Nhờ những chính sách đó cùng sự năng động, sáng tạo của các HTX, tại Bắc Giang đã hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai nhiều giải pháp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ có hiệu quả các đơn vị thành viên, các HTX trong sản xuất kinh doanh; trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; tìm kiếm thị trường; tiêu thụ sản phẩm...