Thưa bà, qua triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, đến nay chúng ta đã đạt được những kết quả như thế nào?
Có thể nói, qua hơn 3 năm thực hiện, Đề án đã góp phần tích cực thay đổi nhận thức của chính quyền, người dân trong vùng đồng bào DTTS. Thông qua các kênh truyền thông đã giúp cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương hiểu rõ hơn, quan tâm hơn tới vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Từ đó, thúc đẩy các địa phương hành động.
Ví dụ, ngay sau khi Đề án được ban hành, năm 2015 tỉnh Quảng Nam đã dành kinh phí hơn 100 triệu đồng điều tra vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn. Năm 2017, Tỉnh ủy Lào Cai đã ra chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu… còn chủ động cân đối thêm kinh phí của địa phương hỗ trợ thực hiện Đề án hiệu quả.
Thông qua các hoạt động Đề án, đồng bào DTTS đã nhận thức được vấn đề tảo hôn là tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, phát triển giống nòi. Theo đó, tình trạng tảo hôn về cơ bản đều giảm, nhất là trong các tỉnh được quan tâm đầu tư.
Trong quá trình thực hiện Đề án, chúng ta gặp phải những khó khăn trở ngại gì?
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu kinh phí. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn vốn Trung ương eo hẹp lại phải dàn trải ra nhiều tỉnh. Nhiều địa phương cũng đã quan tâm đối ứng kinh phí, song nguồn kinh phí này chưa nhiều, chỉ từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Trong khi đó, vấn đề giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và trong một quá trình dài hơi, không thể thực hiện trong một sớm, một chiều.
Một trong những khó khăn nữa là việc tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn hạn chế. Hiện nay, các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên vẫn là những vùng có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, nhưng giảm rất chậm. Nguyên nhân là ở những vùng này địa hình hiểm trở, giao thông chia cắt, tỷ lệ người dân biết tiếng phổ thông thấp. Do đó, quá trình tuyên truyền, vận động người dân không được thường xuyên liên tục.
Để giải quyết những tồn tại, khó khăn trên, chúng ta cần có những điều chỉnh hoạt động như thế nào, thưa bà?
Theo dự kiến đến cuối tháng 11 năm nay, Ủy ban Dân tộc sẽ tiến hành sơ kết Đề án. Chúng tôi sẽ mời đại diện các bộ, ngành và 15 địa phương trong cả nước cùng bàn bạc rút kinh nghiệm. Qua đó, sẽ chọn lựa các mô hình hay để áp dụng, nhân rộng.
Hiện nay, chúng tôi cũng ý thức để đẩy mạnh Đề án, bên cạnh việc tuyên truyền phải tích cực vận động trực tiếp từng cá nhân, hộ gia đình có nguy cơ tảo hôn. Để làm được điều này, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới đội ngũ Người có uy tín (hiện nay cả nước có 34 nghìn Người có uy tín), đây là lực lượng xung kích trong quá trình vận động trực tiếp, cần được khuyến khích, hỗ trợ họ tích cực tham gia công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong thời gian tới.
Xin cảm ơn bà!
HIẾU ANH