Làng chài xuống cấp nghiêm trọng
Được biết, năm 2014, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp nhận 69 nhà bè của ngư dân làng chài giữ lại nhằm bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long sau khi cộng đồng ngư dân các làng chài di dời lên bờ sinh sống. Các nhà bè này được bố trí tại khu vực Cửa Vạn và Vung Viêng. Đây là số nhà bè ngư dân để lại sau khi di dời lên bờ sinh sống theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, hệ thống nhà bè bảo tồn đã tạo thành tổ hợp sản phẩm du lịch độc đáo, tái hiện sinh động không gian văn hóa làng chài xưa, mang đến trải nghiệm hấp dẫn, thú vị cho khách du lịch đến tham quan Vịnh Hạ Long như: tham quan mô hình lớp học nổi; xem trình diễn hát giao duyên trên thực cảnh Vịnh Hạ Long; tham quan kết hợp trải nghiệm chế tác, sửa chữa ngư cụ truyền thống...
Thế nhưng, theo thời gian và do môi trường biển, nước mặn và thường xuyên chịu ảnh hưởng của sóng gió, các nhà bè làm từ gỗ, dựng trên hệ thống phao đã dần xuống cấp và có nguy cơ bị chìm, không đảm bảo an toàn cho hoạt động tham quan, trải nghiệm của khách du lịch.
Tại đây, hệ thống khung sắt ở dưới những ngôi nhà gỗ hoen rỉ trầm trọng và không còn khả năng nâng đỡ ngôi nhà; một số ngôi nhà gỗ ở làng chài Vung Viêng và Cửa Vạn đang chìm dần xuống nước nhưng không có kinh phí trùng tu; nước biển ngập hẳn vào phòng học của làng chài Cửa Vạn khiến căn phòng không đủ an toàn và bỏ không trong thời gian dài....
Đáng chú ý, những ngày qua do ảnh hưởng của gió mạnh và mưa lớn liên tục kéo dài đã khiến một nhà bè vốn là lớp học nằm trong các hạng mục thuộc khu vực bảo tồn của làng chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long, đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm vì xuống cấp…
Chị Lê Thị Nhã, một ngư dân trên làng chài Vung Viêng chia sẻ: “Trước đây làng chài chúng tôi được đón khách du lịch. Bây giờ mặc dù nhà nước đã di dời chúng tôi lên nhưng vẫn để cho các hộ xuống nuôi trồng thủy sản tại làng chài. Chúng tôi rất cảm ơn. Nhưng chúng tôi cũng rất mong muốn nhà nước đầu tư, sửa chữa các nhà bè, mô hình để chúng tôi vừa nuôi trồng thủy sản và chèo đò đón khách du lịch để họ thấy được không khí xưa”.
Cần có giải pháp cứu làng chài trước khi quá muộn
Trong khuôn khổ của Dự án bảo tồn và phát huy đối với một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên Vịnh Hạ Long, năm 2019 một số nhà bè đã được sửa chữa nhỏ. Đến nay, trước hiện tượng xuống cấp nhiều của 2 làng chài, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tiến hành khảo sát, lưu giữ các thông tin, số liệu về nhà bè để làm tư liệu phục vụ cho việc phục dựng sau này, cũng như có phương án đánh giá, tháo dỡ nhà bè, lớp học...
Trao đổi với lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, được biết đơn vị đã tham mưu phương án sửa chữa, phục dựng các công trình kiến trúc liên quan tới giá trị văn hóa cũng như phân loại các công trình. Đối với các công trình không còn sử dụng được nữa thì sẽ loại bỏ, phục dựng mới trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc kiến trúc cũng như hình thái cũ, nhưng đảm bảo độ an toàn cao hơn đối với sự chống chịu với thời tiết và sự bào mòn của nước biển.
“Kế hoạch đang triển khai, tuy nhiên đang có vướng mắc về việc xác định nguồn kinh phí để thực hiện. Ban Quản lý Vịnh hạ Long đang đề xuất với UBND tỉnh trích từ nguồn tham quan Vịnh Hạ Long hàng năm để làm kinh phí cải tạo nâng cấp sửa chữa các trung tâm này. Hiện nay UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Sở Tài chính và UBND thành phố Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh hạ Long làm việc, thống nhất và báo cáo lại”, ông Vũ Kiên Cường, trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long nhấn mạnh.
Hi vọng rằng chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng như các cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện phương án triển khai sửa chữa, phục hồi các nhà bè bảo tồn nhằm mục đích bảo tồn không gian văn hóa làng chài xưa và phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long.