Ông Bình chia sẻ, sinh ra và lớn lên nơi vùng đất nghèo khó này, năm 1972, sau khi học xong chương trình phổ thông, ông lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1984, ông hoàn thành nghĩa vụ, về quê làm việc tại Công ty lương thực Nghệ Tĩnh cho đến năm 2005, ông nghỉ hưu và được bà con tín nhiệm bầu là Người có uy tín, Trưởng bản Ná Phày.
Bản Ná Phày, từng được xem là điểm nóng về các tệ nạn, đặc biệt là tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy khiến bao gia đình ly tán. Khi được bà con tín nhiệm, ông không ngần ngại đến từng nhà, gặp từng người tìm hiểu nguyên nhân. Bằng uy tín, tình làng nghĩa xóm, ông kiên trì phân tích, động viên và giúp đỡ đối tượng từ bỏ tệ nạn, xây dựng lại cuộc sống. Qua đó 10 năm trở lại đây, trong bản không còn người nghiện và buôn bán ma túy; một số hủ tục lạc hậu dần bị xóa bỏ. Năm 2000, bản Ná Phày là bản đầu tiên được công nhận là bản văn hóa.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, Trưởng bản Lô Thanh Bình đã trực tiếp gặp các hộ tuyên truyền, vận động người dân hiến hơn 2000m2 đất và tường rào làm đường giao thông và tham gia nhiều ngày công làm đường, nhờ đó đến nay bản đã đạt tiêu chí về giao thông.
Trong cuộc sống, Trưởng bản Lô Thanh Bình luôn là người đi đầu thực hiện các phong trào ở địa phương, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Gia đình ông là hộ đầu tiên đưa cây mía về đất Mường Nọoc để trồng. Nhờ cây mía mà đến nay nhiều hộ dân làm theo ông đã thoát nghèo.
Ông Lô Xuân Thảo ở bản Ná Phày cho biết: Được sự giúp đỡ hướng dẫn kỹ thuật của ông Bình, gia đình đã tập trung chăn nuôi và trồng mía. Đến nay, đàn bò phát triển nhanh, cây mía đạt sản lượng và chất lượng nên mỗi năm có thu nhập gần 50 triệu đồng. Năm 2017, gia đình ông Thảo đã thoát được hộ nghèo.
Tương tự, trong bản có gia đình anh Lô Văn Hùng, là hộ khó khăn của bản. Thấy gia đình anh Hùng sống trong căn nhà lụp xụp, gặp mưa to gió lớn sẽ bị đổ bất cứ lúc nào, ông Bình đã chủ động cho gia đình anh vay vật liệu gồm xi măng, cát sỏi để làm nhà kiên cố.
Trưởng bản Lô Văn Bình chia sẻ, xuất phát điểm gia đình cũng là nông dân, từ nhỏ đã gắn bó với nông nghiệp nên ông hiểu được khó khăn, vất vả của người nông dân khi đầu tư đồng vốn, thời gian, công sức nhưng năng suất, chất lượng nông sản thấp. Vì vậy, ông đã tìm tòi, học hỏi từ việc tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp; tìm hiểu trên sách báo, thông tin đại chúng; tìm hiểu nghiên cứu cách làm từ những mô hình kinh tế hiệu quả.
Theo đó, ông chú trọng lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp để chuyển đổi, xây dựng kế hoạch, tính toán hợp lý, cụ thể để có thể tạo ra sản phẩm trong cây trồng, vật nuôi có giá trị hiệu quả kinh tế cao, nếu có rủi ro thì cũng ở mức thấp nhất. Làm được rồi, ông tuyên truyền lại cho bà con cùng làm. Hiện nay, hầu hết các hộ dân trong bản học theo mô hình sản xuất của ông Bình, có nhiều hộ khá lên trông thấy.
Ông Quang Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Mường Noọc cho biết: Chính quyền xã đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của ông Lô Văn Bình với người dân bản làng. Với sự nhiệt tình và trách nhiệm của Người có uy tín, ông Bình đã cống hiến và giúp đỡ nhiều hộ dân vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, nhờ sự tuyên truyền vận động của ông nên hiện nay ở bản Ná Phày không còn tệ nạn xã hội, người dân rất tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Năm 2017 số hộ nghèo của bản còn trên 30 hộ, nay giảm xuống còn 23/169 hộ. Những kết quả mà bản đạt được đã góp phần tích cực để xã Mường Nọoc hoàn thiện các tiêu chí về đích xây dựng NTM năm 2018.
MINH THỨ