Hành trình tìm về chữ Thái cổ.
Thầy giáo Lường Đức Chôm, sinh năm 1953, tại xã Trung Thành, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Từ khi còn bé, cậu bé Chôm đã được bố mẹ cho đi ăn học đàng hoàng. Sau khi cái bụng đã đầy chữ, thanh niên Lường Đức Chôm được phân công về công tác ở Phòng Thống kê huyện Đà Bắc.
Thầy Lường Đức Chôm chia sẻ, hồi còn cắp sách đến trường, thầy được ông nội để lại cho một kho sách cổ bằng chữ Thái. Nhưng lúc đó thầy chưa biết chữ Thái cổ nên cứ mỗi lần lật dở, sắp xếp lại “kho báu”, thầy lại cảm thấy vô cùng buồn. Chính vì thế, thầy đặt ra quyết tâm học chữ Thái để “giải mã” kho báu của gia đình mình.
Trước tiên, thầy theo học những người thân trong gia đình như ông cậu, sau này học thêm của bố vợ. Nhưng vốn chữ Thái của những người trong gia đình không nhiều, nên thầy đi nhiều nơi, tìm nhiều cách để “tầm sư học đạo”.
Khi còn làm công tác thống kê, khi đến xã nào, thấy người dân mách có người biết chữ Thái là thầy lại tìm đến tìm hiểu, sưu tầm. Phần lớn chữ Thái được lưu giữ trong những bài cúng mo của thầy cúng, chép thì không xuể, mượn thì người ta không cho, thế là thầy Chôm quyết tâm đầu tư một chiếc máy ảnh để chụp lại những bản chữ Thái vô giá đó. Thầy giải thích “nếu không làm nhanh thì sớm muộn chữ Thái sẽ rơi rụng theo thời gian”. Gia tài của thầy hiện nay là gần 300 cuốn sách cổ đã được chụp lại và lưu trữ vào máy tính. Phần lớn trong số đó đang được dịch ra tiếng Việt.
Sau suốt mấy chục năm tìm hiểu, học hỏi chữ Thái từ nhiều người ở nhiều vùng khác nhau, thầy Chôm đã đọc thông viết thạo được tiếng Thái, thầy “giải mã” được những cuốn sách cổ trong hòm. Với vốn am hiểu kiến thức tiếng Thái sâu sắc, thầy bắt đầu hành trình dạy lại tiếng Thái cho cộng đồng.
Mang chữ đi “gieo”.
Sau khi “tích trữ” một số lượng lớn kiến thức về chữ Thái, thầy Chôm quyết mang những con chữ đi “gieo” ở các bản làng có cộng đồng người Thái sinh sống. Năm 1990, thầy chính thức chuyển sang nghề dạy học và tập trung vào dạy chữ Thái cổ.
Ban đầu, công việc của thầy gặp muôn vàn khó khăn. Các gia đình, ai cũng ủng hộ cho con em mình đi học cái chữ của tổ tiên, nhưng ngặt một nỗi đường xá xa xôi, cách trở, tiền ăn đường không có... thế nên dù có thích nhưng nhiều em đành bỏ dở.
Để vận động học sinh quay lại lớp, thầy Chôm đã vượt dốc, băng đèo đến tận nhà thuyết phục và truyền "cảm hứng" cho cả phụ huynh lẫn học sinh. "Mưa dầm thấm lâu", nhiều gia đình đã cho con em tới lớp.
Năm 2006, thầy tự soạn giáo án dạy tiếng Thái, rồi mở rộng quy mô ra toàn xã. Từ một lớp chỉ lác đác vài người, đến nay, lớp thầy dạy đã có hơn 100 học sinh được nhận chứng chỉ biết đọc và viết chữ Thái, do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.
Đặc biệt, khi Chính phủ ra Chỉ thị 38/2004/CT- TTG về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi, phong trào dạy và học tiếng dân tộc nói chung, tiếng Thái nói riêng được đẩy mạnh. Không chỉ con em người Thái, mà cả cán bộ người Kinh công tác tại địa phương và những người yêu văn hoá Tày-Thái cũng tìm đến xin học. Đến nay, thầy Chôm đã mở được hơn 10 lớp, mỗi lớp 60 học sinh. Những người kế tục sự nghiệp của thầy Chôm ngày càng nhiều, trong đó có cả cán bộ người Tày và người Kinh. Ngoài ra, thầy Chôm cũng đã đi nhiều nơi để dạy tiếng Thái cho cộng đồng như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…
Với những cống hiến đó, thầy Lường Đức Chôm đã được nhận nhiều danh hiệu cao quý, thầy được Chủ tịch nước phong tặng Nhà giáo Nhân dân năm 2010. Năm 2019, thầy giáo Lường Đức Chôm tiếp tục được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất đối với thầy lúc này, là được nghe những câu khắp, câu lượn, những điệu đối đáp giao duyên... của trai gái người Thái ngân vang khắp núi rừng núi Tây Bắc.