Ông Đỗ Bản ở thôn 1, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông cho biết: Từ khi cầu sập, bà con chỉ vận chuyển bằng xe máy và xe cày, nông sản của người dân làm ra không bán được hoặc bán giá rẻ.
Tương tự, tài xế Nguyễn Công Đức, thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền vận chuyển vật liệu xây dựng thi công công trình ở trung tâm huyện Krông Bông bức xúc: cầu sập, xe lớn không thể qua được vì bị giới hạn trọng tải, độ cao qua cầu rất thấp. Xe tải muốn qua cầu, phải độ chế lại xe, cắt đầu cabin, tháo thùng, hạ nhíp, hạ lốp.
Nhưng mỗi lần gặp xe máy, xe công nông thì cũng phải đứng chờ và qua cầu từng chiếc. “Tôi chở vật liệu xây dựng vào huyện phải đi qua cầu nhưng buộc phải tăng bo, tập kết vật liệu hai bên đầu cầu để xe cày, xe tải nhỏ trung chuyển qua. Việc vận chuyển phải trải qua nhiều công đoạn nên rất tốn kém, mất nhiều thời gian và vất vả”, tài xế Đức nói.
Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cũng khẳng định, việc cầu Cư Păm sập, không chỉ khiến đời sống của người dân bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Phải vận chuyển đường vòng xa gần 100km, thương lái không thể vào dân thu mua nông sản nên việc ép giá diễn ra phổ biến với mức chênh lệnh từ 10% đến 20%. Ngay cả nhà máy, doanh nghiệp cũng không thể thu mua như giá thị trường. Ví dụ như mì (sắn), nhà máy chỉ mua 2.000 đồng/kg trong khi giá thành bên ngoài 2.600đồng/kg; doanh nghiệp cũng thu mua thấp hơn thị trường vài giá để bù trừ chi phí vận chuyển. Cả huyện có khoảng 1.600ha mía, đang phải bán giá thấp hơn thị trường khiến người dân địa phương thiệt hại không nhỏ.
Từ khi cầu gãy, việc vận chuyển rác thải sinh hoạt của huyện cũng rất khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao, rác thải ùn ứ gây ô nhiễm môi trường. Bởi không thể qua cầu xe rác phải đi đường vòng hơn 60km theo tỉnh lộ 12 qua huyện Cư Kuin rồi xuống nơi tập kết, xử lý rác ở xã Dang Kang. Riêng năm 2017, UBND huyện phải bù lỗ từ 130 đến 140 triệu đồng cho việc vận chuyển rác thải sinh hoạt.
“Việc tỉnh lộ 9 hư hỏng xuống cấp, đặc biệt là cầu Cư Păm bị sụt đã làm hạn chế tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đời sống nhân dân khốn khó trăm bề trong tiêu thụ sản phẩm, bán hàng hóa. Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện mong muốn UBND tỉnh sớm có kế hoạch xây dựng cây cầu cho người dân Krông Bông đi lại được thuận tiện, an toàn”, ông Bài cho hay.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đăk Lăk, ngay sau khi sự cố xảy ra (4/11/2016), Sở đã chỉ đạo cho ngừng việc lưu thông qua cầu và tổ chức công tác khắc phục sửa chữa ứng cứu khẩn cấp cho các loại ô tô có trọng lượng dưới 3 tấn, xe máy, xe thô sơ qua cầu. Trong khi chờ xây dựng cầu mới, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép khắc phục bước 2 gồm: Gia cường 2 trụ cầu, tăng cường dàn bailey cho hệ kết cầu nhịp (với nhịp 36,5m) để đảm bảo nâng tải trọng của cầu lên 10 tấn và đảm bảo không bị sập cầu trong mùa mưa bão.
Có thể thấy, việc xây dựng cầu mới là nhu cầu hết sức cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân 2 huyện Krông Bông và Krông Păk. Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư khá lớn lên đến 80 tỷ đồng, nằm ngoài khả năng cân đối ngân sách tỉnh.
Được biết, UBND tỉnh đã có Công văn số 3573/UBND-TH ngày 17/5/2017 gửi Thủ tướng chính phủ về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình cầu Cư Păm và Tờ trình số 85/TTr-UBND ngày 18/7/2017 của UBND tỉnh trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn Ngân sách Trung ương. Tổng mức đầu tư dự kiến 79,93 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2017-2020.
LÊ HƯỜNG - HỒNG NGỌC