Dân làng không dự cưới tảo hôn
Làng Plei Hlốp, là làng đặc biệt khó khăn, thuộc xã vùng III Chư Don, với hơn 90% là đồng bào DTTS. Theo già làng, Người có uy tín Nay Yông, trước đây, trung bình mỗi năm, làng phải có từ 3 - 5 cặp tảo hôn. Tình trạng tảo hôn khiến cho đói, nghèo luôn đeo bám người dân, trẻ con thiếu cái ăn, suy dinh dưỡng...
Già Yông còn nhớ, trước năm 2020, trong làng có nhiều trường hợp tảo hôn, gia đình tổ chức cưới hỏi khi con cái đồng ý, dù chúng chỉ ở tuổi vị thành niên. Trong các cuộc họp, già Yong cùng với hệ thống chính trị thôn làng tích cực tuyên truyền, vận động người dân, cha mẹ có con trong độ tuổi 14 -16 tuổi, nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến tảo hôn và HNCHT. Đặc biệt, nắm chắc địa bàn, khi phát hiện có trường hợp chuẩn bị cưới hỏi chưa đúng tuổi hôn nhân, già đã động viên gia đình dừng tổ chức. Dù là người thân, bà con trong làng, già Yong cũng nhất quyết không dự đám hỏi, lễ cưới nếu biết đó là cưới tảo hôn.
Không chỉ kiên quyết từ chối dự, ông còn vận động người thân, anh em không đồng tình, ủng hộ chuyện kết hôn trước tuổi ở trong làng. “Mưa dầm thấm lâu”, người dân cũng dần nghe theo già Yong, không dự đám cưới tảo hôn.
Già Nay Yong chia sẻ: “Trước kia vì nể nhau người làng vẫn đi dự đám cưới dù biết đó là tảo hôn. Tôi nói rõ những tác hại của tảo hôn, là vi phạm pháp luật nên kiên quyết không đi dự cưới. Đồng thời, trong cuộc họp thôn làng, tôi nêu rõ tên những gia đình có ý định tổ chức cho con em tảo hôn để kịp thời cùng với hệ thống chính trị thôn làng ngăn chặn. Hai năm nay, dân làng không đi nữa, vì biết sai mà tham dự là vi phạm pháp luật, cổ vũ cho hủ tục tồn tại khiến cho cuộc dân làng càng thêm nghèo đói”.
Tham gia các mô hình truyền thông cộng đồng
Nhằm phát huy hiệu quả trong vận động bà con chấp hành pháp luật, phòng, chống tảo hôn, già Yong còn tham gia Tổ truyền thông cộng đồng của làng. Từ đó, già Yong có thêm kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng về phòng - chống tảo hôn và HNCHT. Những năm qua, các thành viên trong Tổ cũng đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em gái để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Qua đó, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại.
Cũng giống như già Yong, anh Kpuih Tiêng, Người có uy tín làng Ia Ngăng, xã Chư Don đã tham gia vào mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” để thuận tiện hơn trong việc tuyên truyền, vận động bà con đặc biệt là chị em phụ nữ.
Tại đây, anh Tiêng cùng các thành viên đã phát huy hiệu quả, không chỉ kịp thời giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh an toàn, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình mà còn tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, góp phần xóa bỏ tảo hôn và HNCHT.
Anh Tiêng cho biết: Nhận thức được những hệ lụy từ tảo hôn, HNCHT nên từ khi được bầu làm Người có uy tín, anh đã tích cực tuyên truyền đến bà con trong các buổi họp thôn, ngày đại đoàn kết ở khu dân cư. Bên cạnh đó, anh cũng đã phối hợp cán bộ thôn, xã đến từng hộ dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, đồng thời kiên quyết xử lý theo hương ước, lập biên bản các cặp đôi chưa đủ tuổi chuẩn bị kết hôn và báo cáo với chính quyền để can thiệp kịp thời. Nhờ vậy mà hai năm trở lại đây, ở thôn không còn tình trạng tảo hôn và HNCHT.
Nỗ lực của đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện Chư Pưh, đã góp phần thực hiện có hiệu quả giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT. Theo số liệu thống kê, nếu như trong năm 2020, có 153 trường hợp tảo hôn, 11 trường hợp HNCHT thì đến năm 2023, số cặp tảo hôn đã giảm còn 78 trường hợp; tình trạng HNCHT đã được xóa bỏ.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Chư Pưh Đặng Xuân Tài cho biết: Luôn gương mẫu trong cuộc sống, tích cực vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm theo hướng tích cực, Người có uy tín trong vùng đồng DTTS huyện Chư Pưh đã góp phần tích cực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT.
Để phát huy vai trò của Người có uy tín trong cộng đồng, huyện Chư Pưh tiếp tục thực hiện tốt các chính sách cho Người có uy tín. Trong đó, thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn I: 2021 - 2025, chính quyền các cấp đã chú trọng công tác biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào….
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT, từng bước nâng cao chất lượng dân số, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS.