Cầu nối ý Đảng với lòng dân
Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có 1.281 Người có uy tín của 1.281 thôn, bản, khu phố của 183 xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi và 06 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi. Trong đó, Người có uy tín dân tộc Mường là 627 người, dân tộc Thái là 485 người, dân tộc Dao là 13 người, dân tộc Mông là 42 người, dân tộc Kinh là 83 người, dân tộc Khơ Mú là 02 người và dân tộc Thổ là 29 người.
Người có uy tín đã có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực, điển hình như với công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa. Họ luôn gương mẫu trong các phong trào vận động xây dựng nông thôn mới ở địa phương, vận động Nhân dân đóng góp sức người, sức của để phát triển KT-XH tại địa phương mình.
Tính đến tháng 6/2023, tại 11 huyện miền núi của tỉnh, đã có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 645 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 51 thôn, bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Một số Người có uy tín tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới điển hình như: bà Đinh Thị Na, Người có uy tín khu phố Chiềng Trải, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh; Ông Lê Văn Quân, Người có uy tín thôn Minh Tiến, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc; Ông Lò Thanh Bình, Người có uy tín thôn Ngòi, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân...
Với tinh thần trách nhiệm cao, Người có uy tín cũng đã phát hiện và thông báo với lực lượng công an đấu tranh, ngăn chặn nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, kịp thời ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền, học đạo trái pháp luật trên địa bàn. Trong giai đoạn 2021-2023, đã có trên 1.580 lượt người có uy tín thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch trên địa bàn vùng DTTS&MN.
Là Người có uy tín ở bản Cặt, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, một địa bàn vùng biên giới, ông Sung Văn Lự rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước, không nghe kẻ xấu lôi kéo, rủ rê tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, đặc biệt tiếp tay cho tội phạm mua bán ma túy.
“Muốn cho đồng bào nghe theo, thì mình phải gương mẫu trước đã. Bản thân người có uy tín phải có lối sống lành mạnh, chăm chỉ lao động, tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật để có thể tuyên truyền, giải thích, thuyết phục người dân hiểu và tránh xa các tệ nạn. Đồng thời, cần sát sao với tình hình khu vực thôn bản, bởi đây là địa bàn giáp biên giới, dễ bị kẻ xấu lợi dụng để vi phạm pháp luật”, ông Lự chia sẻ.
Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân
Trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc; Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền và vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia và đóng góp ý kiến thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp; góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết các dân tộc.
Điển hình như ông Bùi Công Bằng, Chủ tịch hội đồng giáo xứ Vân Lung, Giáo phận Thanh Hoá, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thôn Thành Minh, xã Thành Long. Xã này có 65% dân số là người đồng bào theo đạo Công giáo.
Trong những năm qua, ông Bằng đã cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong hệ thống chính trị của xã, công an xã, các tổ an ninh trật tự, an toàn xã hội của thôn tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận về chính trị và tinh thần trong đồng bào theo đạo.
Ông cũng đã tích cực tuyên truyền cho đồng bào theo đạo hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện Chỉ thị số 10 và Đề án 375 của UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác đảm bảo ANTT, ATXH khu dân cư, toàn dân bảo vệ ANTT, ATXH; Tham mưu cho Đảng bộ, chính quyền, Công an xã và MTTQ và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, Hội đồng Giáo xứ Vân Lung xây dựng Đề án mô hình “xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa", với tổng số 16 thành viên và đã được tổ chức ra mắt ngày 4/10/2019.
Thực tế đã chứng minh rằng, hiệu quả từ các chương trình, chính sách đầu tư của Trung ương và tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc sống của người dân được cải thiện; trình độ dân trí được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi năm 2022 đạt 36,98 triệu đồng (toàn tỉnh là 51,7 triệu đồng), tăng 6,36 triệu đồng so với năm 2019 (30,615 triệu đồng).
Đến nay, toàn vùng đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa, 100% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa (trong đó nhựa hóa và bê tông hóa đạt 68%); 100% các xã thuộc khu vực miền núi đều có điện lưới quốc gia, dự kiến cuối năm 2023 100% thôn bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 72,8%. Hiện nay, 11 huyện miền núi có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Đạt được những thành tựu nêu trên, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, có một phần đóng góp không nhỏ, sự phối hợp rất nhịp nhàng của đội ngũ những Người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào các dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Những đóng góp đó, đã góp phần không nhỏ vào vào thành các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa.