Đèo Pha Đin những ngày cuối tháng 3, hoa sơn tra (táo mèo) bung nở bạt ngàn khắp núi đồi, thung sâu. Các bản làng Hua Sa A, Hua Sa B, Chế Á, Lồng, Tỏa Tình… nơi cộng đồng dân tộc Mông sinh sống, ẩn hiện trong sương trên những đồi, sườn núi. Trục đường (Quốc lộ 6 cũ) dẫn đến bản làng đã dễ dàng hơn khi được đầu tư sửa chữa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, trao đổi nông sản.
Sống gần 20 năm trên đèo Pha Đin, gia đình anh Vàng A Dính là một trong số 30 hộ người Mông bản Pá Khôm (xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Bên ngôi nhà sàn khang trang, luôn tay với hoạt động sửa sang chuồng trại chăn nuôi, anh Dính chia sẻ: “Những năm qua, cuộc sống của bà con đã không phải thiếu đói những tháng giáp hạt nữa, bởi người dân đã biết trồng những cây cho thu nhập, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm nhiều hơn”.
Gia đình anh Dính có đàn dê 7 con, đàn trâu 6 con. Để tạo lập kinh tế bền vững, gia đình còn trồng gần 0,1ha cây ý dĩ và dưa, cho thu hoạch gần 30 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với hơn 1.000 cây sơn tra trồng từ năm 2010, cho khai thác từ năm 2014, mỗi năm anh cũng thu nhập thêm hơn 10 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh đã mua sắm được các tài sản có giá trị như xe máy, tivi...
Theo anh Dính, đời sống của bà con trong bản đã khá hơn nhiều khi được sử dụng điện lưới quốc gia, người dân trong bản hòa thuận, đoàn kết, gia đình nào có việc thì mọi người trong bản đều đến chung tay giúp sức. Niềm vui lớn nhất của bà con là các cháu nhỏ đến tuổi đều được đi học đầy đủ. Trên đèo Pha Đin đã có trường mầm non, trung học cơ sở và các điểm trường vệ tinh nằm ở các bản.
Ngược đường dốc lên các bản Hua Sa A, Hua Sa B, Chế Á (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), chúng tôi ngợp mắt trước những diện tích đồi được phủ xanh bởi cây cà phê. Nhiều năm qua, cây cà phê đã mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ đối với người dân nơi đây, nhiều hộ thoát nghèo, trở nên khấm khá.
Chị Mùa Thị Lầu, bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Hơn 10 năm trước, người dân trong bản quen trồng ngô, nhưng thời tiết khắc nghiệt nên cây ngô không cho năng suất cao. Khi chuyển sang trồng cây cà phê thì thu nhập cao hơn và ổn định hơn. Nhà tôi trồng hơn 3ha cây cà phê đã 10 năm nay, trừ mọi chi phí cũng thu về khoảng 45 đến 50 triệu đồng/năm.
Bức tranh kinh tế nông nghiệp ở Tỏa Tình hôm nay cũng có nhiều khởi sắc, toàn xã có hơn 80ha lúa mùa, năng suất 48tạ/ha; hơn 600ha lúa nương, năng suất hơn 13tạ/ha; hơn 550ha ngô, năng suất hơn 27tạ/ha; hơn 30ha diện tích ao nuôi cá; hơn 2.300 con gia súc, gần 8.400 con gia cầm.
Ông Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Ngoài cây cà phê thì cây sa nhân, sơn tra cũng là những loại cây chủ lực mang lại kinh tế cho người dân địa phương. Qua nhiều năm, từ kinh nghiệm thực tế, người dân nơi đây đã biết khoanh vùng quy hoạch, mở rộng trồng cà phê, sa nhân, sơn tra (táo mèo) ở những vùng có độ cao khác nhau để cây trồng thích nghi, phát triển tốt. Hiện tại, xã Tỏa Tình có 160ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch 100ha từ nhiều năm nay với năng suất 70tạ/ha; khoảng 120ha sa nhân, năng suất thu hoạch 12tạ/ha; hơn 150ha cây sơn tra.
Hiện nay tại Tỏa Tình, chất lượng khám chữa bệnh và cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân đã được nâng lên; thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Lĩnh vực giáo dục, địa phương đã tập trung chỉ đạo, thực hiện các mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực; giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục các bậc học duy trì trường chuẩn quốc gia. Công tác an ninh-quốc phòng luôn đảm bảo. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương đã nâng lên khi 7 bản của xã có sân bóng chuyền, có các Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, Câu lạc bộ phụ nữ 4 phẩm chất, Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững…
Ông Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên chia sẻ thêm: Tỏa Tình là xã đặc biệt khó khăn, yếu tố “tạo đà”, làm động lực cho địa phương khởi sắc là những năm qua, chính quyền, nhân dân xã Tỏa Tình luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương quan tâm bằng nhiều chương trình, dự án đầu tư thiết thực như Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình 167, xây dựng nông thôn mới, các chương trình hỗ trợ bò giống, cây ăn quả, thiết bị máy móc nông nghiệp… đã mang lại cho người dân có điểm tựa vững vàng để phát triển kinh tế.
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã Tỏa Tình tiếp tục tập trung, chỉ đạo sản xuất, trồng mới những diện tích cây trồng cho kinh tế cao, ổn định nhằm tăng thu nhập cho người dân; Bên cạnh đó là việc triển khai xây dựng các tuyến, đoạn đường nối các cụm dân cư, các hộ gia đình; xây dựng các nhà văn hóa ở các bản; sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình dân sinh phục vụ người dân cũng được quan tâm đầu tư để diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp.
VŨ LỢI