Ngày xưa trong các lễ hội ăn lúa mới, lễ cưới hay lễ Tết, sau phần lễ ở các bản làng người Hrê, nam nữ thanh niên thường quây quần bên ché rượu cần đánh chiêng, nhảy múa và hát những bài KaLêu, Ka Choi, ngọt ngào say đắm lòng người. Cuộc vui nào, nếu có hát KaLêu, thường sau 12 giờ đêm mới tàn.
Những ngày trung tuần tháng 5 vừa qua, về dự Liên hoan Cồng chiêng, đàn và hát dân ca ở huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi, tôi thực sự mê say điệu hát KaLêu của người Hrê ở mảnh đất anh hùng này. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, Quảng ngãi, Phạm Giang Nam nói với tôi. “Đây là lần thứ hai, huyện tổ chức liên hoan Cồng Chiêng, đàn và hát dân ca. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này Ban Tổ chức liên hoan chọn 3 điểm trong huyện để tổ chức liên hoan theo cụm. Mỗi cụm liên hoan có từ 4 đến 5 xã tham gia. Mời nhà báo đến dự, xem, nghe để hiểu thêm về bản sắc văn hóa cổ truyền của người Hrê ở Ba Tơ...”.
Để giúp tôi hiểu hơn về điệu hát KaLêu, anh Trương Quang Tấn, Phó Phòng Văn hóa, Thể thao huyện Ba Tơ nói với tôi: Hát KaLêu và Ka Choi khác nhau. KaLêu là điệu hát trữ tình còn Ka Choi là hát tự sự, chậm rãi, kể lại câu chuyện có đầu có đuôi. Thường thường mở đầu điệu hát KaLêu có câu: “Lều, lều, lều, lêu lếu lêu...”.
Quan sát không khí ở các cụm liên hoan tôi nhận thấy, nơi nào cũng đông nghịt trẻ em lắng nghe. Dường như hằng ngày các em ít được nghe điệu hát này, nên cụm liên hoan trở thành điểm thưởng thức món ăn tinh thần của trẻ em vùng cao Quảng Ngãi. Nghệ nhân Phạm Văn Thắm ở xã Ba Vì, huyện Ba Tơ chia sẻ: Mỗi lần biểu diễn, các cháu thích lắm. Nhiều cháu còn đề nghị biểu diễn lại nữa đấy.
Một điều đáng mừng tại liên hoan lần này là đa số diễn viên ở các địa phương đều rất trẻ. Điều ấy chứng tỏ, các địa phương đã có nhiều quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cha ông để lại. Nhiều diễn viên mà tôi gặp tuổi đời trên dưới 25, các em tuy có tập luyện nhưng vẫn còn ngại ngùng trước đám đông. Nhìn chung phần lớn các em đều say mê môn nghệ thuật này, nên biểu diễn rất chuyên nghiệp.
Diễn viên Phạm Thi Vem ở xã Ba Tô hát Ka Lêu hay nhất cụm thị xã Ba Xa tâm sự : “Hát KaLêu không khó, nhưng muốn hát cho bà con nghe được trong thời gian qua, em phải cố gắng tập luyện rất nhiều. Em tập cách phát âm, nhấn giọng lên xuống tạo cảm xúc cho bài hát. Hát không có hồn thì bà con không chịu nghe...”.
Theo nhiều già làng ở các xã Ba Tiêu, Ba Ngạc, Ba Xa… cho biết, dù các em, các cháu, có người lần đầu làm quen với ánh đèn sân khấu nhưng rất tự tin trong phong cách biểu diễn. Nếu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí, chắc chắn phong trào hát KaLêu sẽ được nhân rộng... Nhà nước cũng nên quan tâm đưa chương trình dạy hát dân ca vào trường học. Nếu có cơ chế cho chương trình dạy hát dân ca chắc chắn các em sẽ yêu thích tiếng hát của dân tộc mình hơn.
Rời Ba Tơ, Quảng Ngãi, một chiều oi ả. Mặt trời khuất sau dãy núi Cao Muôn hùng vĩ. Trên đường về, tôi lại nghe trên loa truyền thanh Đài Phát thanh huyện tiếng hát ngọt ngào câu hát KaLêu của các cô gái Hrê. Tiếng hát lều lêu lếu lêu... vang xa, như mời gọi, níu chân tôi ở lại.
Trần Đình Quang