Đình Lạc Giao ở giữa trung tâm Tp.Buôn Ma ThuộtĐình Lạc giao tọa lạc giữa trung tâm Tp.Buôn Ma Thuột. Theo các tài liệu lịch sử, ông Phan Hộ, nguyên quán tỉnh Quảng Nam, nhưng đưa gia đình vào huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa sinh sống. Vào những năm 1920, ông Phan Hộ cùng một số hộ gia đình lên cao nguyên tìm hiểu giao lưu, làm ăn buôn bán, rồi ở lại lập làng. Để có nơi sinh hoạt cộng đồng, ông Phan Hộ và người dân đã xây dựng ngôi đình lấy tên là Lạc Giao năm 1928. Lạc Giao có nghĩa là lời giao ước an cư lập nghiệp của người Kinh với người dân tộc tại chỗ, cùng chung sức, chung lòng xây dựng vùng đất mới.
Ban đầu đình được dựng từ tranh tre nứa lá, đến năm 1932 đình được xây dựng kiên cố bằng gạch, lợp ngói đỏ. Cùng thời điểm này, triều đình nhà Nguyễn sắc phong cho đình thờ ông Đào Duy Từ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình Lạc Giao vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa dù được trùng tu, tôn tạo. Ngôi đình mang vẻ đẹp kiến trúc cổ kính, không bề thế nhưng tinh xảo, gần gũi.
Cây đa cổ thụ ở góc sân đìnhTheo các cụ lớn tuổi sinh sống quanh đình Lạc Giao, để giữ được ngôi đình cổ gần trăm tuổi, bên cạnh trách nhiệm của cộng đồng địa phương, người trông coi đình phải có tâm, duy nghiệp với đình.
25 năm gắn bó với ngôi đình, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó trưởng Ban quản lý các hoạt động văn hóa Di tích lịch sử Đình Lạc Giao chia sẻ: đình từng bị chiến tranh tàn phá, nhưng được người dân bảo vệ, tu sửa và trùng tu kiến cố.
Ngày nay, đình Lạc Giao vẫn giữ các nghi lễ thờ cúng, nét văn hóa xưa. Mỗi năm đình có 4 lễ chính gồm lễ tế xuân (17/1), tế thu (17/8), Lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/3). Đặc biệt vào ngày 27/10 âm lịch đình tổ chức tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột. Tất cả các lễ cúng nhằm mục đích cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, cầu sức khỏe, làm ăn phát tài và mọi sự yên bình và để tri ân các thế hệ đi trước.
Hàng năm đình thực hiện các nghi thức cúng tế theo định kỳKhông chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng, trong những năm 1930-1945, giặc Pháp thành lập hàng loạt nhà tù, trại giam ở Đông Dương, trong đó có Nhà đày Buôn Ma Thuột. Thời kỳ ấy, đình Lạc Giao là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của dân làng Lạc Giao che chở, nuôi giấu những người con cách mạng, bảo vệ cán bộ hoạt động cách mạng ở Buôn Ma Thuột. Tại đây, Ủy ban Cách mạng Lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột ra mắt. Đình Lạc Giao trở thành nơi hội họp của Ủy ban Cách mạng Lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 18/3/1975, nơi đây cũng được chọn làm nơi diễn ra lễ ra mắt Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do Đại tá Y Blôk Êban làm Chủ tịch.
Năm 1990, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Đình Lạc Giao là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia và được trùng tu, tôn tạo theo thiết kế nguyên bản.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thực hiện tại Đình Lạc GiaoTheo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Lại Đức Đại, đình Lạc Giao do Bảo tàng Đắk Lắk trực tiếp quản lý. Đây là điểm sinh hoạt tâm linh, điểm tham quan di tích lịch sử có ý nghĩa giáo dục truyền thống của địa phương. Hàng năm đình vẫn thực hiện các nghi thức cúng tế, tổ chức các sự kiện quan trọng, là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào người Kinh với các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên.