Được triển khai nghiên cứu trong 2 năm (2017-2019), Đề tài tập trung nghiên cứu, xác định nhu cầu, nội dung, phương pháp đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, làm rõ cơ sở lý luận, khung phân tích, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế; triển khai đánh giá thực trạng đội ngũ trí thức, các chính sách xây dựng đội ngũ trí thức DTTS và nhu cầu, nội dung, phương pháp đào tạo và giải pháp tổ chức thực hiện nhằm xây dựng đội ngũ trí thức các DTTS.
Từ việc đánh giá thực trạng và các kết quả nghiên cứu, trong giải pháp tổ chức thực hiện công tác đào tạo đội ngũ trí thức DTTS, Đề tài đề xuất: Rà soát, quy hoạch sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện vùng DTTS và miền núi; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị dân tộc; Tăng cường năng lực và xây dựng cơ chế đặc thù cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; Tập trung nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung trong các chương trình giáo dục nhằm tích hợp các kiến thức phù hợp với đặc điểm vùng miền, đặc điểm của người DTTS; Nâng cao vai trò của Học viện Dân tộc trong xây dựng các chương trình đào tạo đặc thù, đáp ứng nhu cầu của địa phương, mở rộng các cơ sở chi nhánh để tăng cường đào tạo tại chỗ và triển khai đào tạo hệ dự bị đại học một số chuyên ngành vùng DTTS còn thiếu như bác sỹ, dược sỹ, kỹ sư công nghệ thông tin, chế biến nông, lâm sản...
Về cơ chế, chính sách cho công tác đào tạo đội ngũ trí thức DTTS, Đề tài đề xuất nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài, các nhà khoa học, nhà quản lý tham gia phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS; Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ người DTTS; Xây dựng và ban hành chính sách phân bổ, sử dụng trí thức DTTS trong các cơ quan quản lý nhà nước nhằm nâng cao vị thế và góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS...
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao các nội dung nghiên cứu và các đề xuất, kiến nghị của Đề tài. Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các công cụ, khung phân tích và số liệu điều tra, khảo sát. Ngoài ra, cần cập nhật, kế thừa thêm các dữ liệu mới của cuộc Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, các báo cáo mới nhất của các bộ, ngành để làm căn cứ và có những đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Các thành viên Hội đồng thống nhất nghiệm thu Đề tài ở mức “Đạt” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài triển khai chỉnh sửa, hoàn thiện theo các ý kiến nhận xét, góp ý trong thời gian quy định.