Người đầu tiên nuôi chạch chấuNăm vừa qua, có lẽ là năm thành công nhất của anh Bùi Văn Tuấn, một ngư phủ nuôi cá trên lòng hồ thuộc xã Bình Thanh, TP. Hòa Bình khi anh đã thử nghiệm thành công nuôi cá chạch chấu. Đây là giống cá chưa có ai nuôi được.
Vì phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên giá chạch chấu luôn cao ngất ngưởng, loại nhỏ 1-2 lạng bà con cũng bán giá vài trăm nghìn, loại đạt 1kg thì trên triệu đồng. Chạch chấu bán được giá, nhưng lại rất khó kiếm. “Cả năm em chỉ bắt được vài kg. Chạch chấu sống trong hang hốc sâu dưới lòng hồ nên rất khó bắt”, anh Tuấn cho hay.
Giờ anh Tuấn đã nuôi được, mở ra nhiều cơ hội cho nghề nuôi cá lồng ở nơi đây. Ở dưới mỗi bè cá, anh đều thả các ống tre đã đục lỗ, đám chạch chấu có nơi ở lý tưởng, nên chúng phát triển rất tốt.
Ngoài nuôi cá chạch chấu, anh Tuấn còn ngăn bè cá của mình ra cả chục ô khác nhau. Chiếc bè bập bềnh sớm chiều là nơi mang lại thu nhập chính cho gia đình. Nhìn đám cá trắm đen, cá nheo quẫy ùm ùm trong bè, anh vui lắm. “Cá trắm đen bán Tết đắt như tôm tươi. Lồng cá cả trăm con này, năm nay cũng mang lại cho em khoản thu nhập kha khá”, anh Tuấn không giấu được niềm vui khi nhắc tới thành quả lao động suốt 2 năm trời.
Cách bè cá của anh Tuấn một tầm tiếng gọi, là cơ ngơi của anh Bùi Văn Linh. Linh cũng nuôi cá cả chục năm nay. Hằng ngày Linh ở lì trên bè bắt cá con cho đám cá nuôi trong lồng. So với các lão ngư sống trên sông Đà ngày nào, Linh thuộc thế hệ trẻ và ít kinh nghiệm bắt cá. Tuy nhiên, nói về kỹ năng nuôi cá lồng Linh đứng tốp đầu. Đám cá trong lồng cứ lớn nhanh như thổi. So với các công việc khác, nuôi cá có vất vả hơn, nhưng được cái thu nhập cao. Cá nuôi trên lòng hồ rất dễ bán, có bao nhiêu tư thương cũng mua hết.
Cá đặc sản, lợi nhuận caoĐứng từ trên cao nhìn xuống, lòng hồ thủy điện Hòa Bình đang có những điểm chấm nhỏ ngày càng lan rộng. Đó là các bè cá của cư dân nơi đây. Sau mỗi năm, bè cá cứ lan rộng dần. Người dân cũng đã mạnh dạn chuyển sang nuôi cá đặc sản như chiên, lăng, bỗng có giá trị hơn. Ông Nguyễn Công Chiến là người đầu tiên ở xóm Phúc Sạn, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu mạnh dạn làm lồng nuôi cá chiên.
Theo ông Chiến, nuôi cá chiên rất nhàn, giá bán lại cao. Con nào đạt trọng lượng trên 1kg giá luôn trên 400.000 đồng/kg. Nuôi được cá chiên, không bao giờ phải lo đầu ra vì tư thương đến tận bè mua hết.
Gia đình chị Nguyễn Thị Phương cũng đã cất công làm cả chục bè cá lồng trên lòng hồ, trong đó có 2 lồng nuôi cá chiên. Sau nhiều năm tìm tòi, chị Phương cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm khi nuôi loài cá da trơn này. Cá chiên chỉ ăn cá nhỏ và tép sống. Cứ 2 ngày cho cá ăn một lần, nếu cho chúng ăn quá no, cá rất dễ chết. Chúng thích sống ở vùng nước sạch, không bị ô nhiễm. Giống này không sinh sản được trong môi trường nuôi nhốt. Do vậy, người nuôi cá chiên thường phải sang tận sông Mã của tỉnh Thanh Hóa mua cá giống.
Năm nay, chị Phương thả khoảng 400 con cá chiên. Sau gần một năm chăm bẵm, giờ nhiều con đã đạt trọng lượng trên 1kg. “Nuôi cá chiên lợi nhuận rất cao, không loại cá nào bằng, nhưng phải hết sức cẩn trọng. Cá chiên rất dị ứng với sự biến đổi của môi trường nước. Năm ngoái cả cái xóm Phúc Sạn này khóc ròng vì cá chiên chết sạch”, chị Phương chia sẻ.
Theo thống kê của UBND tỉnh Hòa Bình, đến nay toàn tỉnh có gần 5.000 lồng cá, sản lượng đạt khoảng 3.700 tấn/năm, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1.000 lao động. Để khai thác tiềm năng mặt hồ, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, hỗ trợ người dân sản xuất, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình giai đoạn 2015-2020.
Mục tiêu đến năm 2020, số lồng nuôi cá trên vùng hồ Hòa Bình có 3.500 lồng (đến nay đã vượt chỉ tiêu) tương đương 85.000m3, sản lượng nuôi khai thác đạt 5.600 tấn, tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động.
NGUYỄN LÊ