Lợi dụng nhu cầu của các bậc phụ huynh, học sinh, nhiều đại lý cửa hàng đã đem về bán ra thị trường nhiều loại sách không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và bán với nhiều loại giá khác nhau.
Chị Nguyễn Thị Nhàn ở thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương cho biết: Gia đình chị có hai đứa con, một cháu năm nay lên lớp 10, một cháu lên lớp 7. Đầu tháng 8 vừa qua, chị có đến cửa hàng sách trên thị trấn để mua sách cho các con. Sau khi được nhân viên cửa hàng tư vấn, chị đã mua cho con gái bộ sách lớp 7.
Tuy nhiên, khi về đem so sánh với sách của phụ huynh khác cùng mua cho con, thì một số sách không giống nhau. Ví dụ như, sách Tiếng Anh khi mở ra thì hình ảnh và chữ in không giống nhau, chất lượng giấy in mỏng hơn, trong khi có cùng giá mua… Băn khoăn về cuốn sách, chị đã đến cửa hàng sách để hỏi thì được nhân viên bán hàng đổi lại cho cuốn khác với chất lượng giấy và chữ in nét rõ hơn…
Ví dụ trên cho thấy, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là sách thật đâu là sách in lậu, bởi công nghệ in rất hoàn hảo, kiểm tra lật dở từng trang mới biết sách thật, sách “dởm” , còn chỉ nhìn bề ngoài thì bìa gần giống như nhau. Điều mà nhiều phụ huynh lo lắng về nội dung của sách liệu có đúng như chương trình không, bởi đa số họ không có thời gian để kiểm tra nội dung từng bài học trong sách.
Bên cạnh đó, giá cả cũng là vấn đề được các bậc phụ huynh và học sinh băn khoăn. Cùng loại sách nhưng giá ở cửa hàng này khác với giá bán ở cửa hàng khác; hoặc giá in bìa khác giá bán thực tế…
Chị Nguyễn Thị Nga, phường Trường Thi, TP . Vinh chia sẻ: Mua sách cho con đầu năm học luôn là vấn đề khó của các bậc phụ huynh. Hiện nay, quá nhiều loại sách với đủ loại giá bán khác nhau. Ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo từ nhiều nhà xuất bản khác nhau rất khó cho các em học sinh lựa chọn nhận diện.
Qua tìm hiểu trên thị trường, do một số đầu sách giá cao, nhà xuất bản chiết khấu thấp, nên một số cửa hàng sách nhỏ đã tự in lậu sách để thu lợi nhuận bất chính. Người mua rất khó phân biệt được sách thật hay sách in lậu, bởi phụ huynh có suy nghĩ chung là sách đều giống nhau, nơi nào giá rẻ hơn thì mua về cho con sử dụng…
Ông Trần Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An cho biết: Từ đầu tháng 5 đến tháng 8/2018, Đội liên ngành phòng chống in lậu của Sở cũng đã tiến hành kiểm tra 31 cửa hàng sách trên địa bàn một số huyện, thị. Đội đã xử lý 9 cửa hàng bán sách, tịch thu 356 xuất bản phẩm, trong đó chủ yếu là sách Tiếng Anh, xử phạt số tiền 27 triệu đồng. Qua kiểm tra, hầu hết các cửa hàng sách đều vi phạm kinh doanh không có nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ…
Theo ông Tuấn, rất khó xử lý triệt để tình trạng này, bởi do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan là hiện nay, chỉ có Nhà Xuất bản Giáo dục có tem chống hàng giả trên sản phẩm các loại sách, còn các nhà xuất bản khác thì không có tem hoặc có ký hiệu đặc trưng để chứng minh sản phẩm của mình, nên quá trình xử lý gặp khó khăn.
Thực tế, công tác quản lý kiểm tra cũng mới chỉ làm được phần ngọn, rất khó để giải quyết được tận gốc, bởi việc nhận diện sách lậu khó khăn và các nhà in, nhà xuất bản lại không nằm trên địa bàn quản lý. “Giải pháp hiện nay vẫn là thông tin và khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý trong lựa chọn sách giáo khoa cho con và nên đến các trung tâm sách và thiết bị trường học để mua sẽ đảm bảo được chất lượng sách, giảm thiểu được những thiệt hại không cần thiết…
MINH THỨ