Vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, với 5 DTTS chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu; có 27 xã biên giới với 24 xã có liên quan đến việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài những khó khăn mang tính đặc thù như địa bàn xa, một số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, địa bàn giáp ranh vói nước bạn Lào với nhiều đường mòn lối mở; đời sống bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… thì những tác động từ tình hình khó khăn trong nước đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội vùng DTTS miền núi.
Dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; sự giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả của UBND tỉnh, Ban Dân tộc đã tích cực chủ động phối hợp với sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc và đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh.
Nhìn chung, đời sống của đồng bào các DTTS năm qua tương đối ổn định và ngày càng được cải thiện; tỷ lệ nghèo giảm; toàn vùng có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất công, nông, lâm, ngư nghiệp có sự phục hồi, phát triển khá toàn diện; chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hệ thống thương mại dịch vụ tiếp tục được mở rộng. Phong trào xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh, bộ mặt nông thôn vùng DTTS và miền núi ngày càng khởi sắc. Một số địa phương vùng DTTS đạt mức tăng trưởng cao, góp phần vào tốc độ tăng trưởng năm 2023 của cả tỉnh.
Công tác văn hóa, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào tiếp tục được các cấp, các ngành tạo điều kiện đầu tư, phát triển. Trong năm đã tổ chức Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) tại huyện Quỳ Hợp, tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại Lai Châu, tổ chức 48 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào miền núi, xây dựng 10 tủ sách cộng đồng tại các huyện miền núi...
Công tác giáo dục, đào tạo nghề, hướng nghiệp cho thanh niên là người DTTS và thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình được các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện. Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS và miền núi tiếp tục được quan tâm. An ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS năm qua ổn định, không có điểm nóng.
Điều đáng chú ý, các chính sách dân tộc tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện, trong đó có Chương trình MTQG 1719 và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS.
Trong thực hiện Chương trình MTQG 1719, vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và 2023 giao cho tỉnh Nghệ An hơn 2.247 tỷ đồng; hiện đã giải ngân, thanh toán 907 tỷ đồng, đạt 40,36% so với kế hoạch vốn, dự toán giao. Từ nguồn vốn được bố trí, đã có nhiều dự án, tiểu dự án đầu tư trực tiếp, tác động trực tiếp đến đời sống đồng bào… nên đã có những chuyển biến tích cực.
Đơn cử như Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tính đến nay đã hỗ trợ đất ở cho 31 hộ ở 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong với tổng diện tích đất hỗ trợ là 2.050 m2; hỗ trợ 494 hộ xây dựng nhà ở; bố trí xây dựng 26 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ 9.858 hộ công trình nước sinh hoạt phân tán; hỗ trợ 3.803 hộ chuyển đổi nghề. Hay như dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, thì đã bố trí vốn cho 284 công trình, trong đó: Chuyển tiếp cho 220 danh mục dự án của năm 2022 và 64 danh mục khởi công mới…
Bên cạnh đó, các Chương trình, chính sách dân tộc khác do Ban Dân tộc tỉnh quản lý thực hiện như chính sách lựa chọn và công nhận Người có uy tín, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới, phổ biến giáo dục pháp luật cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong năm 2023, đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn tại Tp. Vinh và cơ sở, thu hút hàng ngàn người tham gia.
Tuy vậy, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc năm qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng KT-XH vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Công tác xóa đói giảm nghèo tuy có tiến bộ, song giảm nghèo chưa bền vững.
Tình trạng mất an ninh trât tự, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, buôn bán ma túy... vẫn còn diễn ra, tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Việc triển khai thực hiện một số nội dung, chính sách dân tộc chậm so với kế hoạch đặt ra. Công tác tham mưu thực hiện Chương trình MTQG 1719 còn lúng túng, triển khai chậm. Tiến độ triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án của Chương trình còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp….
Ngoài việc làm rõ hơn những khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong năm qua, tại hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện các nhiệm vụ của công tác dân tộc trên địa bàn.
Những chia sẻ về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với phòng chống di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật trong đồng bào DTTS của huyện Tương Dương; công tác chỉ đạo xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình trong đồng bào DTTS của huyện Nghĩa Đàn; thực trạng và giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống huyện của Kỳ Sơn, phát huy vai trò của Người có uy tín, lực lượng cốt cán ở cơ sở trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong trong thời gian qua của huyện Quế Phong; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng của huyện Quỳ Châu… đã góp thêm những cách làm, phương pháp tuyên truyền, giải pháp vận động hay và hiệu quả để việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ngày càng tốt hơn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long khẳng định: Từ việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An biểu dương, ghi nhận đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của các sở, ban, ngành và các địa phương trong thực hiện công tác dân tộc, nhất là thực hiện các chương trình MTQG với trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 ngày càng đi vào chiều sâu, đã có nhiều chương trình, dự án sớm được triển khai trên địa bàn tỉnh, để người dân vùng DTTS sớm được thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng nhắc nhở, lưu ý những người làm công tác dân tộc tỉnh về điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn, vất vả, thu nhập bình quân còn thấp; một số tệ nạn có giảm nhưng vẫn còn; các mô hình sinh kế còn nhỏ lẻ; việc thực hiện các chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG 1719 vẫn chậm, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn chưa cao...
Về phương hướng, nhiệm vụ thực hiện năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị những người làm công tác dân tộc tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và mỗi địa phương; quan tâm tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG đang triển khai trên địa bàn... Đặc biệt, phải triển khai tổng thể các chương trình MTQG gắn với thế mạnh, tiềm năng của mỗi địa phương; các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn; các sở, ngành cũng phải quan tâm hơn đến những phần việc mình phụ trách, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cùng cấp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đã trao Bằng khen cho 1 cá nhân vì thành tích trong thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2018 - 2022. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trao tặng Cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể Ban Dân tộc tỉnh vì đã hoàn thành xuất sắc công tác, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023. Ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tặng Giấy khen cho 3 tập thể và 12 cá nhân vì có nhiều thành tích xuất sắc./.